Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

Sáng 20-5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội, bắt đầu một tháng làm việc của Quốc hội với nhiều nội dung quan trọng về kinh tế-xã hội, xây dựng pháp luật, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...

Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Ðảm; nhiều vị khách mời; các vị đại biểu Quốc hội các khóa trước; đại diện các đoàn ngoại giao tại Hà Nội.

Trước khi khai mạc kỳ họp, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các Ðoàn đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, Quốc hội họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của Kỳ họp.

Khai mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội được tiến hành trong lúc tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang trong quá trình phục hồi, nhưng chưa thực sự bền vững; kinh tế trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, 5 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng khá; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, nhiều khó khăn thách thức còn hiển hiện, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục gặp khó khăn; việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu chậm được giải quyết; tồn kho hàng hóa và bất động sản còn lớn; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng; việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cho biết: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; xem xét Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; thông qua 10 dự án luật và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2013 của Quốc hội và cho ý kiến về 7 dự án luật khác.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ dành thời gian giám sát chuyên đề “Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012”; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội; nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014; xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 5 có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực phối hợp, nâng cao chất lượng chuẩn bị các nội dung của kỳ họp theo đúng chương trình, tiến độ đã đề ra. Chủ tịch đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, so với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo. Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012 có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ lệ che phủ rừng. So với số đã báo cáo Quốc hội, có 7 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn và 6 chỉ tiêu không đổi. Với kết quả như vậy, những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2012 vẫn cơ bản phù hợp.

Về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2013, Phó Thủ tướng cho biết: Lạm phát tiếp tục được kiềm chế. Sau 7 tháng tăng liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 đã giảm 0,19% so với tháng trước, sang tháng 4/2013 CPI tăng 0,02% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Tăng trưởng kinh tế Quý I đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước; Lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 39,14 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: khu vực kinh tế trong nước tăng 3,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 23,6%. Một số mặt hàng chủ yếu trong 4 tháng đầu năm 2013 có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ là: điện thoại các loại và linh kiện tăng 97%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 44,5%; dệt may tăng 18%; giày dép tăng 14,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 18,5%;…

Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt 244,1 nghìn tỷ đồng, bằng 29,9% dự toán, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa ước đạt 164,3 nghìn tỷ đồng, bằng 30,1% dự toán, tăng 2,9%; thu từ dầu thô ước đạt 40,3 nghìn tỷ đồng, bằng 40,7% dự toán, tăng 4,6%; thu cân đối ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 38,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23%, giảm 4,3%.

Trong 4 tháng đầu năm 2013 ước tạo việc làm cho khoảng 475,6 nghìn lao động, đạt 29,7% kế hoạch, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó: tạo việc làm trong nước khoảng 450 nghìn người, tăng 0,9%; xuất khẩu lao động 25,6 nghìn người, giảm 2,93%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều còn rất nhiều khó khăn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản giảm sút. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản vẫn ở mức cao. Tiến độ thu ngân sách nhà nước chậm hơn cùng kỳ các năm trước; giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đạt thấp. Số vụ tai nạn giao thông và số người chết tăng so với cùng kỳ năm 2012. Việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn. Chậm cụ thể hóa các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đó là, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; Triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế; Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; Tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tính đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, tập trung vào một số vấn đề lớn như: về tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Về sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; Về lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề; Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn…

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam