Việt Nam mong muốn quốc tế tiếp tục trợ giúp làm sạch diện tích bị ô nhiễm bom mìn

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam đã được thống nhất về mặt lãnh thổ, nhưng trên 20% diện tích Việt Nam (tương đương với 6,6 triệu hécta) bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với tổng số lượng bom mìn còn sót lại khoảng 800.000 tấn (bao gồm cả bom, mìn, tên lửa, đầu đạn pháo, pháo cối và vật nổ khác ở các độ sâu khác nhau).

Song song với nỗ lực tự thân, Việt Nam cũng tích cực vận động sự trợ giúp quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức phi chính phủ để rà phá và khắc phục hậu quả bom mìn nên đã làm sạch được khoảng 4% diện tích bị ô nhiễm bom mìn.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Giơnevơ, Tiến sĩ Phạm Quốc Trụ, Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác cho rằng có được kết quả trên là nhờ Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong mấy chục năm qua đã hết sức nỗ lực tiến hành rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh. Hàng năm, Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào công tác này. Tháng 4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 và tiếp đó thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình này (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 504) và đích thân Thủ tướng làm Trưởng Ban. Mục tiêu của Chương trình này là huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, triển khai các nỗ lực giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân và hòa nhập họ vào đời sống xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Na Uy ..., cũng như các tổ chức quốc tế, trong đó có Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Giơnevơ (Geneva), Tổ chức Golden West, Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy, Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam...

Đề cập tới vai trò của Việt Nam tại Hội nghị giải trừ quân bị (CD), theo ông Phạm Quốc Trụ, với tư cách là thành viên chính thức CD từ năm 1996, Việt Nam tham gia khá tích cực vào các hoạt động và các thảo luận tại các diễn đàn CD. Việt Nam đã thể hiện rõ ràng quan điểm và lập trường của mình về vấn đề giải trừ quân bị, giữ gìn hòa bình và an ninh cũng như về tất cả các vấn đề cụ thể được thảo luận tại các diễn đàn CD. Hoạt động của Phái đoàn Việt Nam tại CD đã góp phần làm tăng vị thế của đất nước và cũng đồng thời góp phần tăng cường quan hệ của Việt Nam với nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, ông Phạm Quốc Trụ còn cho biết thêm, để tưởng nhớ những nạn nhân bị tàn tật do bom mìn gây ra, tác phẩm "Chiếc ghế Gãy", chiếc ghế bốn chân nhưng gẫy một chân) của nghệ nhân người Thụy Sĩ Đannien Bécxét (Daniel Berset) đã được đặt ngay tại Quảng trường các Dân tộc đối diện với cổng chính tòa trụ sở LHQ tại Giơnevơ. Chiếc ghế gẫy cao trên 20m và được làm từ khoảng 5,5 tấn gỗ này cũng là một biểu tượng phát tín hiệu yêu thương, lời kêu gọi của xã hội phản đối sử dụng mìn sát thương cá nhân và bom bi gửi đến các vị lãnh đạo các nước khi đến Giơnevơ. Ý tưởng này do Hiệp hội quốc tế những người tàn tận của Thụy Sĩ (Handicap International) đưa ra và "Chiếc ghế Gãy" được dựng lên vào tháng 8-1997, ba tháng trước khi ký Hiệp ước Ốttaoa (Ottawa) - một công ước quốc tế về cấm sử dụng, tàng trữ, phổ biến và chuyển giao mìn sát thương cá nhân. Mục tiêu ban đầu của Handicap International khi đưa ra ý tưởng chiếc ghế gãy là mong muốn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với hậu quả của mìn sát thương, đồng thời cũng là lời kêu gọi các nước hãy ký và tham gia Hiệp ước Ốttaoa nhằm loại bỏ mìn sát thương và giúp đỡ các nạn nhân bom, mìn.

Theo TTXVN