Hiệu quả từ Dự án Chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ một số loại nấm

(NTO) Hiện nay, nghề trồng nấm ở tỉnh ta đang hình thành một cách tự phát, diện tích nhỏ lẻ, chủ yếu là nấm rơm được trồng rải rác ở một số hộ dân. Nhằm xây dựng và phát triển nghề trồng nấm một cách bền vững, tháng 4 – 2011, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ) đã triển khai Dự án Chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ một số loại nấm tại tỉnh Ninh Thuận.

Để thực hiện Dự án, Trung tâm đã xây dựng mô hình nhân giống với quy mô công nghiệp. Các phòng thí nghiệm nhân giống cấp I, cấp II, cấp III được xây dựng đúng theo yêu cầu kỹ thuật, bao gồm: Phòng nấu và hấp vô trùng môi trường nhân giống; phòng cấy giống và phòng nuôi giống. Song song đó, Trung tâm còn xây dựng một mô hình trồng nấm trình diễn tập trung tại Xưởng thực nghiệm công nghệ mới với diện tích 100m2 và 7 mô hình phân tán ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, quy mô 50m2/mô hình, khả năng sản xuất 2.000 phôi/mô hình… Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 2,7 tỷ đồng.

 
Mô hình trồng nấm tập trung tại Xưởng Công nghệ của Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh.

Đầu tháng 12 – 2012, Trung tâm bắt đầu đi vào sản xuất 4 loại phôi giống: Linh chi, mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm. Kết quả, phôi đạt trọng lượng theo quy định, tơ nấm khỏe, bịch phôi sau 40 ngày nuôi cấy có tơ mọc đầy, chắc bịch, tỷ lệ nhiễm cho phép 10%. Sau khi đưa vào trồng tại các mô hình năng suất đạt cao hơn 30% so với điểm đối chứng. Theo tính toán, hiệu quả sản xuất giống cấp I ở quy mô Dự án sau thời gian 1 tháng, lợi nhuận thu được 15 triệu đồng; giống cấp II: 45 triệu đồng; giống cấp III: 1,4 triệu đồng/ tấn giống. Hiệu quả trồng 4.000 phôi giống nấm sò, mộc nhĩ lợi nhuận thu được 15 triệu đồng; 4.000 phôi nấm linh chi lợi nhuận thu 8 triệu đồng; trồng nấm rơm với 300kg rơm trong 4 ngày lợi nhuận 200 ngàn đồng.

Kỹ sư Trần Văn Khang, Phó Giám đốc Trung tâm, Chủ nhiệm Dự án, cho biết: Dự án tạo ra sản phẩm mới, thu hút lao động nông nhàn, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho bà con vùng nông thôn. Nông dân được tham gia các lớp tập huấn, nắm vững kỹ thuật trồng, nên năng suất và chất lượng nấm đảm bảo, thu lợi nhuận khá cao, từ đó kích thích được phong trào trồng nấm, làm cho nghề nấm phát triển; tạo thêm việc làm thu nhập ổn định cho khoảng 400 hộ gia đình nông dân từ tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ sẵn có.

Thời gian tới, Trung tâm xúc tiến đăng ký thương hiệu cơ sở và cá nhân sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu. Phối hợp với các doanh nghiệp để hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm nấm phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Tiếp tục sản xuất phôi giống đảm bảo chất lượng cung ứng cho nông dân, chuyển meo giống đến các huyện, xã có quy mô sản xuất nấm lớn.