WHO: Chưa xác định cúm gia cầm H7N9 lây nhiễm từ người sang người

Trong một cuộc họp báo tại Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 22-4, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Kêgi Phưcưđa (Keiji Fukuda) cho biết hiện vẫn chưa có bằng chứng virút cúm gia cầm H7N9 lây nhiễm từ người sang người tại Trung Quốc, mặc dù giới chức y tế nước này cũng đã ghi nhận hiện tượng nhiều thành viên trong một gia đình cùng bị nhiễm bệnh.

Ảnh minh họa

Theo ông Phưcưđa, một chuyên gia về dịch cúm, nguyên nhân một gia đình có nhiều thành viên nhiễm cúm H7N9 vẫn chưa được làm rõ song cũng không loại trừ khả năng lây nhiễm hạn chế từ người sang người - hình thức lây nhiễm đã gặp đối với các chủng virút cúm khác. Khác với lây nhiễm liên tiếp, lây nhiễm hạn chế chỉ gây bệnh cho những thành viên gia đình hoặc cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc cho người bệnh. Ông Phưcưđa là một thành viên trong phái đoàn WHO đang có mặt ở trung Quốc để nghiên cứu liệu virút cúm gia cầm H7N9 có lây nhiễm từ người sang người, một nguy cơ tồi tệ có thể làm bùng phát đại dịch nghiêm trọng.

Tại thành phố Thượng Hải đã có những trường hợp bố/con và vợ/chồng cùng nhiễm virút cúm H7N9, tuy nhiên chính quyền địa phương cũng chưa có đủ bằng chứng xác nhận lây nhiễm từ người sang người. Giới y học Trung Quốc vẫn cho rằng cúm gia cầm H7N9 lây nhiễm từ gia cầm sang con người. Ngoài ra, theo ông Phưcưđa, một đặc điểm bất thường nữa của cúm H7N9 là nhiều người cao tuổi bị nhiễm mà chưa rõ nguyên nhân.

Trung Quốc công bố trường hợp đầu tiên nhiễm virút H7N9 ở người vào ngày 31/3. Kể từ đó, tính đến tối 22/4, đã có tổng cộng 104 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 21 ca tử vong. Mới nhất là một ca tử vong nữa tại Thượng Hải và hai trường hợp nhiễm mới tại tỉnh Chiết Giang. Đáng lưu ý, đã xuất hiện một trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm H7N9 tại tỉnh Sơn Đông. Nếu được xác nhận, đây sẽ là ca đầu tiên ở tỉnh Đông Bắc Trung Quốc này.

Cũng trong ngày 22/4, thêm một mẫu gia cầm nữa tại miền Đông Trung Quốc cho kết quả xét nghiệm dương tính với virút H7N9. Đây là mẫu lấy từ chim bồ câu ở một trang trại nuôi gia cầm thuộc tỉnh Giang Tô.

Dịch cúm gia cầm H7N9 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực liên quan như chăn nuôi gia cầm... nhưng mặt khác lại mang đến vận may bất ngờ cho nhiều cơ sở kinh doanh tại Trung Quốc. Theo một người buôn rau củ quả tại tỉnh Hồ Bắc, người dân hạn chế ăn thịt gia cầm do lo ngại nhiễm bệnh, vì vậy rau củ quả đang rất đắt hàng. Số liệu thống kê cũng cho thấy giá rau củ quả đã tăng vọt kể từ cuối tháng 3, thời điểm Trung Quốc công bố trường hợp đầu tiên nhiễm cúm gia cầm H7N9 ở người. Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế khẳng định sản phẩm thịt gia cầm vẫn rất an toàn nếu được nấu chín. Theo họ, virút sẽ bị tiêu diệt trong vòng hai phút sau khi nhiệt độ đạt 100 độ C hoặc trong nửa tiếng đồng hồ ở nhiệt độ 60 độ C.

Đông y truyền thống của Trung Quốc cũng đang được người dân chú ý trong việc phòng ngừa bệnh. Sau khi một số chuyên gia y tế nhận định loại rễ cây đại thanh diệp có khả năng ngăn chặn nhiễm cúm gia cầm, vị thuốc này đã tăng vọt giá lên gần gấp đôi trên thị trường. Các công ty bảo hiểm Trung Quốc cũng đã nhập cuộc. Bảo hiểm Bình An, một trong những tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc, đang bán bảo hiểm cúm gia cầm với mức bồi thường 20.000 Nhân dân tệ trong trường hợp người mua bảo hiểm bị lây nhiễm bệnh này.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam / TTXVN