Góp ý Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai:

Cần quy định rõ quyền lợi của người dân khi Nhà nước thu hồi đất

(NTO) Hiện nay, trong quá trình góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ chế định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Theo tôi, ý kiến trên chưa được nghiên cứu thấu đáo cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn ở Việt Nam.

Về mặt lý luận, Chủ nghĩa Mác đã chứng minh và khẳng định rằng, sở hữu tư nhân về đất đai là nguồn gốc của sự bóc lột và phân hóa giai cấp. Đó là điều mà chế độ XHCN chúng ta đang phấn đấu loại bỏ để hướng tới xây dựng xã hội “Dân chủ, công bằng và văn minh”. Mặt khác, dưới góc độ chính trị, pháp lý thì diện tích đất đai chúng ta có được hôm nay là thành quả đấu tranh của bao thế hệ cha anh, của cả dân tộc khai phá và bảo vệ.

Do vậy, không có lý do gì để nói mảnh đất này hay mảnh đất kia là của một cá nhân. Trên thực tế, người dân không quan tâm đến vấn đề mình có quyền sở hữu đất đai hay không, mà rất quan tâm việc có quyền sử dụng đất như thế nào; khi Nhà nước thu hồi đất mà mình đã được giao, thì quyền lợi chính đáng ra sao. Hơn nữa, chế định sở hữu toàn dân về đất đai được quy định từ năm 1980 trở lại đây đã ổn định, cho nên không cần phải xáo trộn. Vì thế, nên tiếp tục khẳng định và duy trì chế định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện cho toàn dân thống nhất quản lý theo quy hoạch, kế hoạch. Mặt khác cần quy định rõ, chặt chẽ hơn về vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khi Nhà nước thu hồi đất vì những lý do quốc phòng, an ninh, vì lợi ích công cộng khác. Trong quá trình quản lý nhà nước đối với đất đai cần quy định rõ trong việc thực hiện công khai, minh bạch, chống lạm quyền, quan liêu, giấy tờ.

Về thời hạn giao đất và hạn mức giao đất, bên cạnh quy định thời gian giao đất ở cho người dân lâu dài, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm, hạn mức nhận chuyển nhượng đất lên mười lần hạn mức giao đất. Điều này cho thấy tiến bộ hơn và hợp lòng dân, tạo điều kiện cho người dân gắn bó với đất, mạnh dạn đầu tư vào đất, tăng hiệu quả việc sử dụng đất. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân "tích tụ" ruộng đất và thuận lợi trong áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào thâm canh trên đất.

Một khía cạnh khác có vẻ mâu thuẫn với nội dung nêu trên là trong điều kiện hiện nay, khi mà dân số ngày một tăng cao, nhưng Việt Nam vẫn là một quốc gia nông nghiệp, việc tăng hạn mức giao đất và thời gian sử dụng đất sẽ là một cản trở, là mâu thuẫn với quyền sử dụng đất cho mọi người dân. Hiện nay, tình trạng các “dự án treo” đang gây lãng phí hàng trăm nghìn ha đất đai, trong khi một bộ phận không nhỏ nhân dân “mất đất” sản xuất, gây bức xúc trong xã hội. Do đó, Luật cần có những quy định chặt chẽ trong quản lý các dự án có sử dụng đất. Cần có những chế tài mạnh để xóa bỏ và thu hồi đất đối với các “dự án treo” và cần thực hiện minh bạch, công khai trong công tác quy hoạch, kế hoạch và thu hồi đất.