Không nên quá “e dè” với thịt heo

(NTO) Hơn một tuần kể từ ngày UBND tỉnh công bố dịch tai xanh trên heo ở xã Lương Sơn (Ninh Sơn), nhiều người nội trợ đã có dấu hiệu “tránh” thịt heo khiến sức mua đang có dấu hiệu giảm mạnh.

Có mặt tại một số quầy hàng bán thịt heo tại các điểm chợ trên địa bàn huyện Ninh Sơn, theo ghi nhận của chúng tôi, lượng thịt heo bán ra những ngày qua đã giảm đáng kể. Chị Nguyễn Thị Định, khu phố 4, thị trấn Tân Sơn, chủ một quầy hàng thịt tại chợ Tân Sơn cho biết: Hơn một tuần nay thịt bán ế lắm, nhiều người sợ heo nhiễm bệnh nên không dám mua. Thường ngày tôi bán khoảng trên 50 kg thịt đến tầm hơn 10 giờ là hết, mấy ngày nay chỉ lấy gần 20 kg nhưng ngồi đến trưa vẫn còn… Cũng theo chị Định, nhiều ngày qua một số hộ bán thịt heo tại khu vực chợ Tân Sơn đã nghỉ bán do chợ quá ế ẩm.

Tại khu vực chợ Quảng Sơn, điểm chợ được xem là có lượng hàng thịt heo tiêu thụ lớn nhất huyện nhưng nhiều người nội trợ cũng đã bắt đầu “lảng tránh” thịt heo. “Từ khi biết có dịch heo tai xanh tại khu vực xã Lương Sơn, mấy ngày qua gia đình tôi hầu như không mua thịt heo dùng trong bữa ăn”- chị Nguyễn Thị Hồng Loan, thôn Hạnh Trí 1, xã Quảng Sơn cho biết. Theo ông Nguyễn Đình Thạnh, Trưởng trạm Thú y huyện Ninh Sơn, thì việc dịch heo tai xanh xuất hiện trên địa bàn huyện Ninh Sơn thời gian qua khiến người dân “e dè” với thịt heo là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên khi triển khai công tác phòng, chống dịch địa phương cũng đã có những khuyến cáo kèm theo như: tuyên truyền về việc nên sử dụng thịt heo có đóng dấu đã qua kiểm dịch đảm bảo an toàn; bệnh tai xanh trên heo không lây sang người, không nên có những nhìn nhận sai lệch gây hoang mang trong cộng đồng. Cũng theo ông Thạnh, toàn huyện Ninh Sơn hiện có khoảng 15 điểm giết mổ heo, tập trung chủ yếu tại thị trấn Tân Sơn và xã Quảng Sơn. Theo ông Thạnh thì đa số các điểm giết mổ này đều được cán bộ thú y cơ sở thường xuyên kiểm tra nên việc tiêu thụ thịt tại các điểm chợ trung tâm đảm bảo an toàn.

Có thể nói, việc người dân đang “e dè” với thịt heo là điều không tránh khỏi. Bên cạnh công tác tập trung dập dịch, chính quyền địa phương cũng cần tập trung tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân trong việc nắm rõ về tình hình dịch bệnh. Tăng cường việc kiểm tra các điểm giết mổ, các mặt hàng thịt heo bày bán tại các chợ, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi sử dụng thịt heo nên mua thịt đã có dấu kiểm nghiệm thú ý, không nên mua tại các khu vực chợ tự phát. Việc chọn lựa thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe là điều tất yếu, nhưng cũng không nên quá “e dè” với thịt heo khi vẫn đảm bảo chất lượng.