Hiệu quả tổ an ninh xung kích ở nông thôn

(NTO) Trước tình hình an ninh trật tự vùng nông thôn diễn biến phức tạp, một số địa phương ở huyện Ninh Phước đã xây dựng mô hình Tổ An ninh xung kích (ANXK), hoạt động từ nguồn kinh phí đóng góp của người dân. Qua thời gian hoạt động, mô hình đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự nông thôn, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Tổ ANXK đầu tiên được thành lập tại thôn Như Ngọc (xã Phước Thái) gồm 10 thành viên là thanh niên và nông dân địa phương, đi vào hoạt động từ tháng 5-2012. Để hỗ trợ kinh phí hoạt động, công cụ hỗ trợ, chế độ cho các thành viên, nhân dân tình nguyện đóng góp kinh phí với mức 10.000 đồng/hộ/tháng.

Tổ An ninh xung kích thôn Hoài Nhơn họp nhanh sau ca tuần tra.

Anh Lâm Gia Thịnh, phó trưởng Công an xã cho biết: Qua tổ chức tuần tra ban đêm, chúng tôi đã phát hiện, xử lý và ngăn chặn nhiều vụ việc về an ninh trật tự trên địa bàn như giải tán các nhóm thanh niên nhậu nhẹt, gây rối; phát hiện các vụ trộm cắp nông sản,… Do lợi thế là người địa phương, thông thạo địa bàn lại có uy tín, nên quá trình giải quyết các vụ việc được các anh thực hiện khá suôn sẻ, hợp tình hợp lý. Với những hiệu quả mà mô hình mang lại, đến nay, Tổ ANXK được nhân rộng ra 6 thôn của xã Phước Thái.

Cũng như các địa bàn nông thôn khác, tình hình an ninh trật tự tại thôn Hoài Nhơn (xã Phước Hậu) có những điểm phức tạp riêng. Ngoài một số thanh niên hư hỏng hay gây gổ, đánh nhau, chạy xe lạng lách trong khu dân cư,… các đối tượng ở địa phương khác cũng thường xuyên lai vãng, trộm cắp vật nuôi, gia súc. Trước tình hình này, Ban quản lý thôn đã đi đến thống nhất thành lập Tổ ANXK, với 8 thành viên. Nhân dân trong thôn đồng tình đóng góp mỗi hộ 10.000 đồng/tháng tạo nguồn kinh phí hoạt động và mua bảo hiểm y tế cho anh em trong tổ. Tổ đi vào hoạt động từ tháng 1-2013 và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong dịp Tết Qúy Tỵ vừa qua, trên địa bàn không xảy ra các vụ việc về an ninh trật tự. Anh Lê Văn Qúy, Tổ trưởng Tổ ANXK thôn cho biết: Từ khi thành lập tổ đến nay, các đối tượng quậy phá, trộm cắp tại địa phương và các nơi khác không còn “manh động” như trước nữa. Bà con trong thôn đều có số điện thoại của các anh em trong tổ nên bất kể là vụ việc gì, kể cả mâu thuẫn trong gia đình, cũng đều gọi báo cho chúng tôi.

Khác với mô hình tổ ANXK thôn ở Phước Hậu và Phước Thái, Đội thanh niên xung kích xã Phước Vinh có 10 thành viên và hoạt động trên toàn xã. Đồng chí Nguyễn Mông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vì đời sống kinh tế của bà con trên địa bàn còn nhiều khó khăn nên việc vận động kinh phí hỗ trợ cho Đội ANXK khó thực hiện được. Do vậy, chúng tôi đã chủ động đưa những anh em trong Đội vào Tổ thủy nông điều tiết nước tưới hồ Lanh Ra. Vì Tổ thủy nông này hoạt động từ kinh phí đóng góp của nhân dân thông qua diện tích gieo trồng lúa nên phần nào hỗ trợ được cho anh em yên tâm công tác. Mặt khác, việc thành viên tổ điều tiết nước đồng thời là thành viên tổ ANXK sẽ giúp việc giải quyết các vụ việc tranh chấp về nước tưới dễ dàng hơn. Mô hình “2 trong 1” này vừa đảm bảo kinh phí, chế độ cho anh em, vừa nâng hiệu quả công việc, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xã Phước Vinh hiện đã được công nhận đạt tiêu chí 19 về đảm bảo an ninh trật tự nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới.

Có thể nói, hoạt động của các Tổ ANXK ở nông thôn huyện Ninh Phước tuy chỉ mới hình thành đi vào hoạt động nhưng đã mang lại nhiều hiệu quả cho công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đang được nhiều địa phương khác học tập nhân rộng. Sự đóng góp của nhân dân không chỉ là nguồn kinh phí ổn định mà còn gắn với niềm tin và trách nhiệm, là nguồn cổ vũ tinh thần cho các Tổ ANXK hoạt động tích cực hơn, bám chắc, bám sát địa bàn hơn.