Xung lực mới cho quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp

Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế, quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp vẫn có những phát triển vượt bậc trong những năm qua.

Nếu như năm 2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương mới ở mức 1,67 tỷ USD thì hết năm 2012, con số này đã đạt 3,75 tỷ USD. Đó là những tín hiệu vui và là bước đệm vững chắc để quan hệ thương mại Việt Nam – Pháp bước sang trang mới sau 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Pháp Nicole Bricq, trong vòng 5 năm trở lại đây, xuất khẩu của Pháp tại Việt Nam tăng gần gấp đôi. Năm 2012, giá trị xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam đạt 613,5 triệu EUR. Xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực tăng ấn tượng. Những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chính của Pháp sang Việt Nam như: Dược phẩm (143,2 triệu EUR, tăng 7,4% sản phẩm công nghệ (128,6 triệu EUR tăng 27,1%) Hóa phẩm, mỹ phẩm và nước hoa (71 triệu EUR, tăng 2,1%) sản phẩm điện tử, tin học và quang học (50,1 triệu EUR tăng 43,7%) …Cũng trong 2 năm kể từ 2010 – 2012 số doanh nghiệp xuất khẩu sang Việt Nam cũng đã tăng 15%.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp liên tục tăng mạnh ở mức trên 30%/năm trong các năm 2010-2012, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp cũng tăng trưởng rất tốt thời gian này. Năm 2012, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 2,69 tỷ EUR, tăng 37,7% so với năm 2011 và là năm có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Pháp diễn ra đầu tuần ở TP. Hồ Chí Minh, 130 doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực của Pháp đã đến tham dự và tìm kiếm, phát triển quan hệ đối tác tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự đặc biệt quan tâm của giới doanh nhân Pháp đối với thị trường kinh doanh tại Việt Nam. Theo Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poier, hoạt động của các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam ngày càng được tăng cường. Hiện tại có hơn 300 doanh nghiệp của Pháp đang kinh doanh rất tốt ở Việt Nam. Nước Pháp coi Việt Nam là một trong các thị trường ưu tiên của mình trong các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và công nghệ. “Sự năng động và mối quan tâm của các doanh nghiệp, sự tham gia của các cơ quan quan nhà nước cũng như mong muốn của tất cả các bên trong việc tăng cường sự hiện diện thương mại của Pháp tại Việt Nam chính là những yếu tố cần thiết để thành công” Ngài Đại sứ nhấn mạnh.

Theo Tổng Giám đốc Cơ quan thương mại Pháp (UBIFRANCE), Christophe Lecourtier, Việt Nam là một trong những nước mới nổi đang phát triển mạnh của thế kỷ 21 có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư và là một thị trường đầy tiềm năng, một miền đất hứa đầy cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Với những thế mạnh như vậy, bất chấp những khó khăn tạm thời trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Việt Nam chắc chắn là một trong những thị trường ưu tiên trong chính sách ngoại thương của Pháp, đặc biệt đối với các công ty có quy mô trung bình và các công ty nhỏ và vừa của Pháp vốn hiện nay còn chưa hiện diện nhiều tại thị trường này.

Tuy vậy, tiềm năng hợp tác phát triển và trao đổi kinh tế giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Bên cạnh đó, trong cán cân thương mại giữa Pháp và Việt Nam thì bao giờ tỷ trọng cũng nghiêng về phía Việt Nam, thậm chí là nghiêng rất mạnh. Chính vì thế, mục tiêu của các doanh nghiệp Pháp trong năm 2013, cũng như các năm sau đều tập trung cải thiện hoạt động xuất khẩu của Pháp. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, để nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam sang Pháp, trước hết doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như các mặt hàng nông sản cũng cần phải tập trung nâng cao và giữ ổn định chất lượng hơn nữa.

Trước những thành công trong quan hệ thương mại những năm qua, triển vọng trong thời gian tới cũng hết sức sáng sủa khi hai nước nâng tầm quan hệ Việt Nam- Pháp thành đối tác chiến lược với mục tiêu tăng cường quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực chiến lược đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Nicole Bricq khẳng định: Việt Nam là một nước đang phát triển rất mạnh mẽ trong khu vực châu Á và Đông Nam Á. Vì vậy, Pháp cũng mong muốn có một quan hệ phát triển hơn nữa với Việt Nam và khu vực này. Bộ trưởng Ngoại thương Pháp cũng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp Pháp hoạt động tại thị trường Việt Nam đã đạt được sự phát triển vững chắc nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng chúng tôi vẫn có thể làm “nhiều hơn nữa” và phải “làm tốt hơn nữa” thông qua việc tăng cường mối quan hệ trao đổi giữa hai bên”.

Số liệu kinh tế Việt - Pháp

Xuất khẩu của Pháp tại Việt Nam trong năm 2012: Những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chính của Pháp sang Việt Nam: dược phẩm: 143,2 triệu EUR, tăng 7,4% sản phẩm công nghệ: 128,6 triệu EUR tăng 27,1% hóa phẩm, mỹ phẩm và nước hoa: 71 triệu EUR, tăng 2,1% sản phẩm điện tử, tin học và quang học: 50,1 triệu EUR tăng 43,7%.

Đầu tư trực tiếp của Pháp tại Việt Nam: Tính đến cuối năm 2012, Pháp là nhà đầu tư lớn thứ 16 của Việt Nam với tổng giá trị đầu tư trực tiếp là 3,1 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp chủ yếu vào các lĩnh vực: thông tin và truyền thông (22%) các dịch vụ khác (19%) sản xuất và phân phối điện nước và ga (17%) công nghiệp chế biến (13%) nông nghiệp (6%) khách sạn và nhà hàng (6%).

Xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp trong năm 2012: Năm 2012, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 2,69 tỷ EUR, tăng 37,7% so với năm 2011. Trong đó: dệt, may mặc, da và giày dép: 871,3 triệu EUR, tăng 2,5% sản phẩm chế biến: 198,8 triệu EUR, tăng 8,6% sản phẩm công nghiệp thực phẩm: 136,8 triệu EUR, giảm 3,5% sản phẩm bằng cao su hoặc nhựa hoặc sản phẩm khoáng sản: 82 triệu EUR, tăng 12%.

Theo TTXVN