Theo đó, sẽ có điểm sàn trên và điểm sàn dưới. Điểm sàn trên được xác định theo chỉ tiêu như cách đã làm lâu nay. Điểm sàn dưới là tổng điểm bình quân từng môn của 3 môn thi trong khối thi tương ứng. Đây được coi là ngưỡng giới hạn đảm bảo chất lượng đầu vào. Thống kê kết quả thi những năm gần đây cho thấy, tổng điểm bình quân này của các khối thi (điểm sàn dưới) thường nằm trong khoảng từ 11 đến 12, nghĩa là thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn của từng năm (điểm sàn trên).
Đối với thí sinh đạt kết quả thi trên điểm sàn trên thì các trường xét trúng tuyển như vẫn làm. Đối với thí sinh có kết quả thi nằm giữa điểm sàn trên và điểm sàn dưới, các trường xét thêm điểm tốt nghiệp phổ thông để quyết định điều kiện trúng tuyển cho thí sinh.
Ảnh minh họa. Nguồn: VA
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Những trường lâu nay tuyển đủ thí sinh trên điểm sàn thì hoàn toàn không có gì thay đổi nếu phương án này được áp dụng. Phương án điểm sàn dự kiến có lợi cho những trường tốp dưới gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Để ưu tiên cho những thí sinh đạt điểm trên mức điểm sàn trên thì trong 2 đợt xét tuyển đầu tiên, các trường chưa nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh dưới mức sàn này. Kể từ đợt xét tuyển thứ ba trở đi, nếu chỉ tiêu tuyển sinh vẫn chưa đủ thì các trường được xét tuyển những thí sinh có điểm thi đến điểm sàn dưới kết hợp với xét kết quả thi tốt nghiệp phổ thông. Trong tất cả các đợt xét tuyển thì những thí sinh đạt trên điểm sàn trên được ưu tiên xét trước.
Trước băn khoăn về việc cho phép có thêm mức điểm sàn dưới liệu có ảnh hưởng gì đến chất lượng đầu vào? Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay: Mục tiêu số 1 vẫn là yếu tố chất lượng, điểm sàn trên như lâu nay vẫn được duy trì và đảm bảo tuyển ít nhất 90% tổng chỉ tiêu. Thứ hai, tạo cơ hội cho những thí sinh có năng lực thật sự nhưng không may đạt kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thấp được xét tuyển kèm theo kết quả thi phổ thông. Thứ ba, phương án này tạo điều kiện sử dụng hết công suất hiện có của hệ thống giáo dục đại học, tránh lãng phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào.
Phương án xác định điểm sàn này phù hợp với Luật Giáo dục Đại học về tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển), không ảnh hưởng đến phương pháp học tập và chuẩn bị thi của thí sinh (vì chỉ dùng kết quả thi tốt nghiệp phổ thông để xét kết hợp chứ không dùng kết quả học tập 3 năm phổ thông).
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, mang tính kỹ thuật. Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu giải pháp tuyển sinh Đại học, cao đẳng phù hợp, ổn định lâu dài song song với quá trình đổi mới việc dạy và học ở bậc phổ thông.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam