Mô hình “1 phải, 5 giảm” và vai trò của tổ chức Đảng ở một xã vùng đồng bào dân tộc Chăm

(NTO) Nếu không đến Phước Hậu (Ninh Phước), chắc chúng tôi không hình dung hết ý nghĩa của một mô hình đang mang lại nét mới trong sản xuất lúa hàng hóa ở một địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống. Trong câu chuyện với chúng tôi, cụm từ “1 phải, 5 giảm” được cán bộ xã lặp đi, lặp lại, mà không hề có ai giải thích. Thì ra nó quá quen thuộc với mọi người dân nơi đây.

Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Phước Hậu có 7 thôn, trong đó 4 thôn hầu hết là đồng bào Chăm sinh sống, chiếm 45,6% dân số, là xã thuần nông với trên 90% hộ gia đình gắn bó cuộc sống của mình với ruộng và vườn. Những năm trước, Phước Hậu từng là xã nghèo, đất đai khô cằn, hệ thống thủy lợi chưa được quan tâm đúng mức nên tình trạng thiếu nước canh tác diễn ra triền miên, giao thông liên thôn, nội đồng tạm bợ… Cùng với sự đổi mới chung của tỉnh và cả nước, Phước Hậu từng bước tìm tòi hướng đi, học tập kinh nghiệm các địa phương khác, rồi mạnh dạn bứt phá.

Mùa thu hoạch lúa của nông dân thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu (Ninh Phước).
Ảnh: Sơn Ngọc

Dựa vào khoa học để xác định mô hình canh tác

Năm 2004, trên địa bàn xã Phước Hậu từng có mô hình thâm canh lúa nước “3 giảm, 3 tăng” – giảm lượng giống, lượng nước tưới và thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Qua 6 năm triển khai, mô hình “3 giảm 3 tăng” mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và đang tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương trong huyện. Điều mà các đồng chí trong cấp ủy, chính quyền xã tâm đắc hơn cả là kinh nghiệm rút ra từ quá trình lãnh đạo nhân dân đưa tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Con đường để đến với mô hình “1 phải, 5 giảm” hôm nay được mở ra từ những kinh nghiệm ấy.

Để xây dựng một mô hình thâm canh mới, phải xuất phát từ cơ sở sinh lý học của cây trồng, từ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và tập quán canh tác của người nông dân. Trong sản xuất lúa truyền thống, quan niệm về yếu tố đầu vào quan trọng nhất là nước (nhất nước, nhì phân…), nhưng khoa học hiện đại khẳng định đó phải là giống. Có giống lúa chất lượng tốt, năng suất cao, dễ thích nghi và có khả năng kháng bệnh luôn là niềm mơ ước của bà con nông dân, nhưng để tất cả những phẩm chất ấy bảo toàn sau mỗi vụ, không bị thoái hóa, thì yếu tố “thuần chủng” mang tính quyết định. Bởi vậy, “1 phải” chính là phải sử dụng giống lúa tốt và thuần chủng.

“5 giảm” là giảm lượng giống gieo sạ, lượng phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát trong thu hoạch. Trước đây, bằng phương thức gieo sạ bằng tay, bà con nông dân phải sử dụng giống với số lượng nhiều (40 đến 45kg/1.000m2), mật độ hạt/một diện tích lại không đồng đều làm tăng chi phí mua giống, công sạ và cả công nhổ - cấy dặm lại mạ. Để tiết kiệm chi phí này, kỹ thuật sạ theo hàng bằng máy kéo sạ đã và đang được bà con đồng bằng sông Cửu Long sử dụng.Với lượng giống sạ hàng giảm còn 12- 15 kg/ 1.000m2. Kinh nghiệm cho thấy, với khoảng cách hàng cách hàng, hạt cách hạt được tính toán chặt chẽ, lúc cây lúa trưởng thành, độ che phủ của tán lá hợp lý sẽ giúp cây đủ ánh sáng quang hợp, năng suất sinh thái trên một đơn vị diện tích sẽ cao nhất. Khi mật độ cây trên một đơn vị diện tích giảm, lượng phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật cũng sẽ ít hơn, việc kiểm soát sinh trưởng, theo dõi tình hình dịch bệnh, làm cỏ, chăm sóc cũng thuận lợi hơn. Công cụ cơ giới được khuyến khích đưa vào trong làm đất, chăm sóc và nhất là khi thu hoạch (gặt đập tại chỗ bằng máy, lúa được chở về sân phơi bằng ô tô…) vừa tiết kiệm nhân công và thời gian, vừa giảm đáng kể thất thoát .

Vai trò của tổ chức Đảng

Cái hay, cái lợi của mô hình thâm canh mới là rõ, nhưng để từ lý thuyết, mô hình trên dấy lên thành phong trào hành động cụ thể, Đảng ủy, chính quyền, tất cả cán bộ, đảng viên và đoàn viên các đoàn thể quần chúng ở Phước Hậu đã phải bao ngày suy nghĩ, bàn thảo và quyết tâm triển khai. Kinh nghiệm mà Phước Hậu rút ra gắn liền với vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng: quyết tâm đổi mới, tận dụng nguồn lực liên kết và dân vận khéo.

Được sự ủng hộ hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, sau khi tổ chức cho cán bộ vào An Giang học hỏi kinh nghiệm, Đảng ủy Phước Hậu ra Nghị quyết chuyên đề về triển khai mô hình “1 phải 5 giảm”, chỉ đạo UBND xã lập Đề án triển khai thí điểm trên diện tích 10 ha, chỉ đạo các chi bộ thôn xây dựng chương trình tổ chức thực hiện, sử dụng một phần đất ruộng của các đảng viên tại các chi bộ thôn thực hiện làm điểm. Nhiều biện pháp xúc tiến cho mô hình được triển khai quyết liệt, tìm kiếm sự liên kết, phối hợp, ủng hộ từ nhiều nguồn.

Để chủ động “1 phải”, Phước Hậu ký hợp đồng với Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố cung cấp các giống lúa ML-202, TH41, TH6… thuần chủng, năng suất cao, ngắn ngày, kháng bệnh tốt, vừa đáp ứng nhu cầu trong xã, vừa làm dịch vụ cho các xã bạn, đồng thời tăng thu nhập cho người sản xuất lúa giống (lên hơn 1,2 lần so với lúa thương phẩm).

Để “5 giảm” hiệu quả, Phước Hậu ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Phân bón Bình Điền và Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang, bảo đảm việc cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ổn định, kịp thời và đúng chất lượng, hướng dẫn cho bà con cách sử dụng phân, thuốc an toàn và hiệu quả nhất. Tranh thủ chính sách ưu đãi của Nhà nước về vay vốn lãi suất thấp, cấp ủy, chính quyền xã động viên các hộ đầu tư vào sản xuất, mua sắm máy nông cụ, nhờ vậy khâu làm đất và thu hoạch hiện đã được cơ giới hóa 100%. Song song với cơ giới hóa đồng ruộng, xã tìm kiếm sự hỗ trợ của cấp trên, đồng thời vận động bà con đóng góp tiền nhựa hóa, bê-tông hóa các tuyến đường liên thôn, nội đồng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

“Khi Đảng ủy có nghị quyết, chính quyền có đề án thì việc còn lại là quyết tâm của cả hệ thống chính trị và vai trò “đi trước” của cán bộ, đảng viên”. Đó là kinh nghiệm mà đồng chí Hứa Văn Bảo, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã chia sẻ với chúng tôi trong quá trình triển khai phong trào. Nghị quyết Đảng ủy xã và các chi bộ thôn xác định: tất cả đảng viên phải “đi trước” thực hiện mô hình, vận động gia đình, bà con trong họ tộc tham gia để làm cơ sở nhân rộng ra các hộ gia đình khác. “Chiến dịch” tuyên truyền mô hình sản xuất mới được phát động, cơ sở khoa học của kỹ thuật canh tác được giải thích đến tận từng hộ dân.

Đồng chí Trịnh Lam, Bí thư Chi bộ thôn Phước Đồng tâm sự: Chi bộ chúng tôi chỉ có 5 đảng viên, trong đó 3 đã nghỉ hưu, nhưng luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, bằng phương thức “mưa dầm thấm lâu”, không chỉ “miệng nói” mà còn “chân đi, tay trực tiếp” để vận động, hướng dẫn bà con thực hiện mô hình mới. Lúc bà con đã hiểu thì mọi việc thật dễ dàng, thêm nữa, mô hình được triển khai cho năng suất lúa trung bình đạt trên 80 tạ/ha, càng làm bà con thêm tin tưởng.

Với đồng bào Chăm ở thôn Hiếu Lễ, niềm tin cũng không chỉ được xác lập bằng “tai nghe” đảng viên nói, mà còn phải “mắt thấy” đảng viên làm. Đồng chí Trượng Thành Liêm, người dân tộc Chăm, Bí thư Chi bộ thôn kể: Ban đầu vợ tôi không ủng hộ, tôi phải giấu vợ, vác lúa ra đồng kéo sạ một mình, lúc chăm sóc cũng kiếm cớ bảo vợ ở nhà, đến lúc lúa lên rất tốt mới dắt vợ ra đồng khoe, vợ thấy thích quá, bảo “năm sau lại tiếp tục!”.

Hiệu quả

So với phương pháp trồng lúa truyền thống, mô hình “1 phải. 5 giảm” được đánh giá là có hiệu quả bền vững, bởi việc tăng giá trị sản phẩm gắn liền với giảm chi phí sản xuất. Chênh lệch thu nhập của bà con tăng thêm 7-15 triệu đồng/ha do mỗi ha tiết kiệm được 100-150kg giống, 50kg phân, giảm số lần tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch 4%, năng suất trung bình đạt 85-90 tạ/ha. Sau 3 vụ, từ 10ha vụ đông – xuân 2010 - 2011 thí điểm ban đầu, đến vụ hè – thu năm nay, 158 hộ dân Phước Hậu, trong đó có 30 hộ người Chăm mạnh dạn tình nguyện thực hiện mô hình trên 100ha ruộng của mình. Phước Hậu đang trở thành xã trọng điểm lúa “sản lượng lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, chi phí thấp” của huyện Ninh Phước.

Cùng với mô hình thâm canh lúa mới, Đảng bộ và chính quyền xã Phước Hậu còn triển khai chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa cây táo, cây nho, dê lai siêu thịt về xã, mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao. Đời sống của bà con Phước Hậu ngày một khá lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần hàng năm, hiện đã có 99% hộ mua được xe máy, tivi và trên 85% gia đình có nhà xây kiên cố. Toàn xã hiện có 114 máy cày lớn nhỏ các loại, 22 chiếc máy gặt đập liên hợp và 10 xe tải nhỏ chuyên vận chuyển nông sản trị giá nhiều chục tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình trở nên khá giả, thu nhập hằng năm lên đến ba, bốn trăm triệu đồng từ trồng lúa và làm vườn, như hộ anh Bùi Hải, Trương Lại Khoán, Lê văn Kiên ở thôn Trường Thọ; anh Hứa Thanh Vân, Quảng Các ở thôn Phước Đồng 2…

Bộ mặt nông thôn mới đang nhanh chóng hiện lên trên vùng quê Phước Hậu. Chia vui với các đồng chí lãnh đạo xã, chúng tôi thầm nghĩ: ở đâu Đảng và chính quyền biết lo cho dân, ở đó cuộc sống luôn đổi thay tốt đẹp!