Tản văn: Nơi yêu thương tìm về

(NTO) Trên căn phòng áp mái nhuốm màu hoài cổ thoảng hương gỗ sồi, ngoài trời những bông tuyết nhè nhẹ rơi mang theo cái lạnh lùa qua khung cửa. Nó ngồi tần ngần nhớ về ngôi nhà nhỏ ở Việt Nam, nơi mà giờ này chắc hẳn mẹ và em gái đang ngồi bên bếp lò rim chảo mứt dẻo thơm phức.

Vậy là đã ba năm từ ngày nó sang Hàn Quốc học cao học theo chương trình đào tạo giảng viên trẻ nòng cốt của khoa. Những năm tháng học ở nước ngoài, mỗi lần nhớ nhà nó lại lôi tấm bản đồ thế giới ra tìm kiếm dải đất hình chữ S quen thuộc, rồi từ đó, lại tỉ mẩn định vị thành phố bé nhỏ nơi nó ra đời. Nó nhớ một nhà văn Liên Xô (cũ) đã từng viết: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh...”. Nó yêu nơi nó sinh ra cũng bằng một tình yêu như thế. Phan Rang, quê hương nó là một đô thị bé nhỏ nằm khiêm tốn, hiền hòa giữa nhiều thành phố sầm uất xung quanh. Nhà nó nằm trong một con hẻm nhỏ và sâu của phố phường. Nơi đó hằng đêm vẫn vang lên tiếng xôn xao chơi trò “rồng rắn lên mây” của bọn trẻ con hay tiếng rao dài lê thê của cô bán đậu hũ giữa trưa hè oi ả. Và thơ mộng nhất là những lần ngắm trăng mười sáu với cả nhà.... Giờ đây, niềm vui bé nhỏ ấy biến thành nỗi nhớ lớn lao trong nó, nơi "đất khách quê người".

Phan Rang của nó chớm lạnh mỗi khi Tết đến, khoảng thời gian đó được ở bên cạnh người yêu thương thì không gì ấm áp và hạnh phúc hơn nữa! Nó yêu mỗi lần đi chợ Tết cùng mẹ. Chợ đầu mối Tấn Tài những ngày giáp Tết hàng hóa đổ về tấp nập, các loại rau củ từ xà lách, dưa leo, súp lơ, củ cải, cà chua... tràn ra cả lòng đường. Giọng chào hàng í ới của các tiểu thương trộn lẫn với tiếng mặc cả của người mua tạo nên chuỗi âm thanh rộn ràng, dân dã. Hai mẹ con bên nhau huyên thuyên đủ mọi chuyện từ giá củ cải, hạt dưa, mứt gừng năm nay cao hơn năm trước ra sao đến chuyện quần áo mua ở chợ thì không tốt bằng mua ở shop...Cảm giác ấm áp bên cạnh bố khi hai cha con đi chọn hoa trong cái lạnh của những đêm giáp Tết cũng khiến nó nôn nao mong ngóng. Từng bước thong dong, bố kể nó nghe chuyện điều ông đã chứng kiến và trải qua trong cuộc đời mình. Bao nhiêu khó khăn vất vả dưới cái nhìn lạc quan của bố đều trở thành những trải nghiệm lý thú, bổ ích, nhờ đó mà bố luôn khỏe mạnh, vui vẻ. Bố thích vuốt tóc con gái, những lúc bố đưa tay vuốt nhẹ mái tóc dài của nó và âu yếm khen “Tóc con gái bố là đẹp nhất!” làm nó “sướng rơn”! Không sống chung với mấy mẹ con đã mười lăm năm nay, nhưng trong mắt nó, bố vẫn là người đàn ông tuyệt vời nhất, bởi tình thương và trách nhiệm ông dành cho gia đình. Nhìn bố, nó hiểu ra một điều, con người ta có thể từ bỏ tình yêu riêng tư của bản thân chứ không thể từ bỏ những gì thuộc về máu mủ. Có lẽ vì thế mà mỗi khoảnh khắc bên bố mẹ được nó nâng niu, gìn giữ như một báu vật vô hình.

Một giờ sáng, trời Seoul rét buốt, bên ngoài cửa sổ những cành cây khẳng khiu đã bị tuyết ôm trọn, nó thả trôi dòng suy nghĩ miên man. Ký ức thân thương về gia đình, xứ sở nhẹ nhàng trở về sưởi ấm tâm hồn nó. Đã bước qua những ngày đầu của năm 2013, vậy là chỉ một tháng nữa thôi, khóa học sẽ kết thúc, cũng là lúc Việt Nam mình bước vào đón Tết cổ truyền. Nó sẽ được về nhà sau hai mùa Tết ăn bánh chưng với củ cải muối một mình. Mẹ và nó sẽ cùng nhau chuẩn bị các món dâng lên bàn thờ tổ tiên. Đứa con gái bé bỏng sẽ sà vào lòng bố như một cánh én sau những tháng ngày mải miết “bay xa”. Ba chị em sẽ lại nói cười rôm rả bên nồi bánh chưng bập bùng ánh lửa. Nó lại là chính mình với những xúc cảm tinh khôi, nồng nàn.