Xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ phát triển

(NTO) Sự nghiệp văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Điều đó đã được Đảng ta xác định từ trong lý luận và cả trong thực tiễn ở mọi thời kỳ cách mạng. Sự nghiệp của toàn dân tức phải do nhân dân chăm lo xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, xây dựng và phát triển như thế nào lại cần có sự dẫn dắt bằng định hướng chính sách. Chính vì thế mà sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa lại cần đến sự định hướng quản lý của Đảng và Nhà nước.

Từ khi ra đời, cùng với sự lãnh đạo nhân dân làm cách mạng chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc, Đảng ta vẫn chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa. Điều đó xuất phát từ việc nhận thức một cách đầy đủ và đúng đắn vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội. Từ Đề cương Văn hóa năm 1943, cho đến nay chúng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về văn hóa rất sát hợp, cụ thể cho từng thời kỳ cách mạng. Đảng xác định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và “Văn hóa là nền tảng, là động lực tinh thần cho sự phát triển xã hội”, “Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực”…

Đình làng Vạn Phước (xã Phước Thuận, Ninh Phước) - Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Ảnh: Văn Miên

Đặc biệt, chúng ta có hẳn một Nghị quyết riêng về văn hóa, đề cập một cách sâu sắc và toàn diện về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong thời kỳ mới. Đó là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng mà đến nay chúng ta vẫn còn phấn đấu tiếp tục triển khai thực hiện tinh thần của Nghị quyết đã đề ra. Điểm cốt lõi trong nhận thức của Đảng, đó là xem văn hóa trong phạm vi nghĩa rộng của nó, với vai trò tác động đến mọi hành vi và kết quả thực hiện hành vi của con người trong xã hội. Văn hóa bao trùm mọi lĩnh vực và có ý nghĩa tác động một cách tích cực hay tiêu cực đến hành vi xuất phát đầu tiên bằng nhận thức về ý nghĩa hành vi. Như vậy, vấn đề quan trọng đầu tiên chính là giáo dục nhận thức, giáo dục văn hóa. Mà giáo dục thì không thể phát huy tác dụng nếu không được thực hiện bền bỉ, lâu dài, liên tục ngay từ giai đoạn đầu đời và trong suốt cả cuộc đời con người, thông qua nhiều hình thức và biện pháp khác nhau.

Bia di tích lịch sử văn hóa Đình làng Vạn Phước.

Xây dựng văn hóa chính là xây dựng con người, đó là mục tiêu và đó cũng là động lực. Con người của mỗi thời kỳ lại có những tiêu chí khác nhau trên cơ sở những tiêu chí chung nhất của con người trong cộng đồng dân tộc đó. Chẳng hạn khi nói về tiêu chí con người Việt Nam trong thời kỳ mới tất phải có nhiều yêu cầu mới khác hơn con người trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng đó là con người như thế nào, gồm những tiêu chí cụ thể ra sao cần phải được chỉ ra. Những tiêu chí đó không thể là những tiêu chí một cách chung chung, đại khái, mơ hồ và thiếu thực tế. Cũng như khi đề cập đến vấn đề bản sắc dân tộc, cũng cần phải chỉ ra những yếu tố, những hành vi nào thể hiện tinh thần bản sắc dân tộc. Từ đó mới có những quy định cụ thể cho những hành vi bắt buộc, những hành vi mang tính qui ước hay biểu trưng cho hồn dân tộc mà ai ai cũng thừa nhận và khi thực hiện những hành vi ấy mỗi người đều có ý thức và tự hào được thể hiện là con người công dân của dân tộc và đất nước ấy. Văn hóa bao trùm tất cả nhưng không phải không thể chỉ ra và tìm ra những đặc điểm tiêu biểu. Ngày nay, đứng trước nhiều thách thức của sự hội nhập nhanh chóng mang tính toàn cầu không chỉ về kinh tế, vấn đề văn hóa và bản sắc văn hóa được đặt ra không chỉ nằm trong phạm vi xây dựng và phát triển nó mà ý nghĩa của văn hóa có thể vượt xa hơn, trở thành vấn đế sống còn của một quốc gia dân tộc, đó là: “hòa nhập hay hòa tan”, “tồn tại hay biến mất”…

Kinh tế có thể không biên giới, nhưng văn hóa giữ gìn biên giới, làm cho “ta vẫn là ta”. Điều đó thực ra không phải dễ nhìn thấy và ai cũng nhìn thấy. Điều gì thuộc ý thức thì ăn sâu vào tâm trí. Và như thế, ý thức vẫn là yếu tố làm nên hành vi. Nhấn mạnh như thế để vẫn lại muốn nhấn mạnh vai trò giáo dục, đặc biệt giáo dục trong thời đại ngày nay lại càng quan trọng hơn. Xây dựng được ý thức rồi chưa chắc đã có thể có hành vi đúng. Vậy hành vi cần được hướng dẫn, thậm chí có những hành vi làm khuôn mẫu, hành vi bắt buộc, cưỡng chế…

Bản sắc văn hóa dân tộc được kết tinh, chọn lọc trải qua nhiều thế hệ, thông qua những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông từ ngàn xưa, được giữ gìn, bảo lưu và trao truyền nối tiếp đến hiện tại cũng như trong cả tương lai. Nhận diện những giá trị văn hóa truyền thống là cơ sở đầu tiên để giữ gìn bản sắc. Tuy nhiên, phát huy như thế nào là cả một vấn đề không hề đơn giản, để làm sao bản sắc dân tộc được thể hiện ra trong mọi lĩnh vực đời sống với tư cách là tấm “hộ chiếu văn hóa”, khẳng định và giới thiệu với bè bạn trên thế giới về một nền văn hóa đáng tự hào thể hiện qua từng hành vi, sản phẩm văn hóa và con người của một quốc gia, dân tộc.