Phòng,chống suy dinh dưỡng ở trẻ em

(NTO) Trong những năm qua, bên cạnh việc nâng cao công tác giáo dục thì công tác chăm sóc sức khỏe ở trẻ em, trong đó có phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ luôn được quan tâm và triển khai đồng bộ. Để công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, Ban chỉ đạo phòng chống SDD từ tỉnh đến các xã được thành lập và thường xuyên kiện toàn.

Đặc biệt, việc thiết lập đội ngũ CTV phòng, chống SDD đến các thôn, vùng sâu, vùng xa góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc dinh dưỡng hợp lý để phòng, chống SDDTE. Hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế, y tế thôn bản, CTV dinh dưỡng, dân số, gia đình và trẻ em các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, hội, đoàn thể trong công tác phòng, chống SDDTE cũng được triển khai cụ thể ứng với từng địa bàn phụ trách.

Cán bộ Trạm y tế Phước Hà cho trẻ uống Vitamin A phòng chống suy dinh dưỡng.
Ảnh: Sơn Ngọc

Các hoạt động được triển khai như: truyền thông về phòng, chống SDDTE được thực hiện và duy trì thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, cao điểm vào các dịp “Tháng hành động vì trẻ em”, chiến dịch uống Vitamin A bổ sung và tẩy giun, “Ngày vi chất dinh dưỡng”; tuyên truyền “Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển”; thành lập CLB không có trẻ em SDD; tổ chức các hội thi cho đội ngũ CTV và các bà mẹ, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn... Nội dung truyền thông được tiến hành theo các chủ đề hàng tháng tại cộng đồng bằng những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, theo dõi tăng trưởng, kiến thức cần thiết phục hồi trẻ SDD, đa dạng hoá thực phẩm cho bữa ăn gia đình, phòng chống thiếu Vitamin A, thiếu sắt, I-ốt và sự phát triển của trẻ.

Hoạt động thực hành dinh dưỡng được triển khai với mục tiêu hướng dẫn người mẹ có con dưới 5 tuổi bị SDD và phụ nữ mang thai những kiến thức cơ bản nhất về chăm sóc dinh dưỡng cho con. Có thể khẳng định, công tác truyền thông về dinh dưỡng tại cộng đồng là một trong những nội dung quan trọng của chương trình phòng, chống SDDTE với mục đích nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi dinh dưỡng ngày càng tốt hơn cho người dân. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát dinh dưỡng được đội ngũ CTV duy trì hàng tháng, với việc áp dụng biểu đồ tăng trưởng mới trong cân, đo cho trẻ ở địa bàn mình phụ trách để kịp thời phát hiện trẻ SDD. Đồng thời, mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ CTV...

Với sự triển khai đồng bộ, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chương trình phòng, chống SDDTE ở tỉnh ta đã thu được những kết quả khả quan như: tỷ lệ trẻ SDD năm 2011 so với năm 2010 theo cân nặng/tuổi giảm 1,4%, chiều cao/tuổi giảm 1,9%, SDD cân nặng/chiều cao giảm 1,7%, cùng với đó kiến thức về chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng chống SDDTE ở cộng đồng cũng được nâng lên.

Những con số về SDD trẻ em dưới 5 tuổi tuy có giảm, nhưng vẫn còn là thách thức rất lớn đối với ngành chức năng và toàn xã hội về tính bền vững và chất lượng dân số của tỉnh ta trong tương lai. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDDTE, song, nguyên nhân hàng đầu vẫn là kinh tế của các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình ở nông thôn, miền núi còn rất thấp, số gia đình sinh nhiều con vẫn cao, nên điều kiện dành cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ rất hạn chế. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng phương pháp nuôi dạy trẻ thiếu khoa học và kiến thức về dinh dưỡng của bà mẹ còn rất thấp. Bên cạnh đó, chất lượng các dịch vụ chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế, công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức với những kiến thức chăm sóc trẻ cơ bản đến các bà mẹ chưa đầy đủ và rộng rãi; sự quan tâm của các cấp uỷ, các ngành ở cơ sở chưa thật sự chu đáo. Vì vậy, hậu quả của SDDTE là rất lớn, các em bị thiệt thòi về khả năng phát triển trí não, thể lực, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và cả kinh tế của gia đình, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội... là nguyên nhân lớn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số.

Từ những thực tế này, trong thời gian tới, để công tác phòng chống SDDTE trên địa bàn tỉnh ta mang lại hiệu quả cao hơn, đầu tiên, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với ngành Y tế, cũng như các hội, đoàn thể trên địa bàn, có kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về dinh dưỡng theo từng giai đoạn đạt hiệu quả. Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép sâu rộng những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trong nhân dân, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đầu tư về mọi mặt, tạo điều kiện để các huyện miền núi thực hiện tốt các chương trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dần đời sống của người dân. Để cải thiện nòi giống, nâng cao trí tuệ và chất lượng dân số, góp phần cho việc phát triển kinh tế của mỗi địa phương thì mỗi gia đình, cùng toàn thể xã hội hãy chung tay làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ngay từ hôm nay.