Buổi tọa đàm ngày Hiến chương nhà giáo được tổ chức ở hội trường UBND xã. Ra về, vừa dắt xe đến cổng, các em học sinh ùa lại, hớn hở tặng tôi những bó hoa hái được ở mé rừng, quanh nhà: nào hoa giấy, hoa bộng giếng, hoa cánh bướm…Vùng cao nắng gió, bó hoa dại mọc trên những cánh đồng sỏi đá đã “kéo” tôi lại với ngôi trường tạm bợ.
Là người đưa đò, còn gì hạnh phúc bằng việc đón nhận tình cảm của “khách sang đò”, ấy vậy mà tôi, khi còn là một cô học trò, tôi đã không hiểu điều này, tôi nợ thầy cô của mình món quà của lòng tri ân...
Giá trị của món quà là ở cách tặng chứ không phải ở giá trị vật chất. 20-11 - ngày lễ “tôn sư trọng đạo”, điều này cho thấy xã hội đề cao nghề giáo, chứ không có nghĩa là ngày học sinh mua quà tặng thầy cô. Ngày nhỏ tôi không hề biết điều này…
Năm tôi học lớp 8, vào ngày 20-11 mấy bạn hào hứng gom tiền mua hoa, mua quà tặng thầy cô, đặc biệt cô chủ nhiệm, mấy bạn bảo vậy. Tôi về rấm rứt xin tiền, má không có, mặt nặng mày nhẹ khóc than. Má bảo, nhà có trái mít vừa chín tới, hái tặng cô. Tôi ứ ừ khóc to hơn, ai lại làm như thế, bạn bè cười chết mất… Bạn bè có quà đến nhà cô, tôi không có thì đâm ra sợ, sau ngày 20-11 cứ muốn lơ mặt nhìn ra cửa sổ hay nhìn đâu đâu chứ không dám khoanh tay nhìn thẳng vào cô như mọi bận.
Tôi nhớ rõ ràng đó là ngày 23-11, hôm đó tôi mang tiền học phí theo nộp cô nhưng bị mất cắp. Đứa bạn ngồi bên đích thị là thủ phạm, số tiền còn nguyên trong chiếc cặp của bạn ấy, các bạn trong lớp quyết phải thưa cô lục cặp để bắt ngay thủ phạm, sau này bỏ đi cái tật lấy cắp. Cô vào lớp, các bạn nhao nhao đòi lục cặp, nhìn quanh lớp một lượt, cô bảo:
- Lấy cắp là sai, nếu bạn nào lỡ lấy của bạn thì hãy gặp riêng cô, cô sẽ giúp em xin lỗi bạn ấy và gửi lại số tiền đã mất!
Tôi ấm ức:
- Thưa cô! Nhưng…
- Không nhưng gì cả em ạ, cô hứa sẽ giữ bí mật! Như vậy nhé các em!
Tiết học vẫn diễn ra bình thường. Cả lớp nhao nhao, chỉ có một “kết luận” cho việc này, bạn ấy vì mang quà đến thăm nên cô “nương tay” như vậy, sao không bắt quả tang tại trận cho nó bẽ mặt đi, dám láu cá láu tôm nữa không. Sao cô không giúp tôi “vạch mặt” thủ phạm, nếu tôi ăn cắp chắc cô kiểm điểm trước lớp rồi, tại 20-11 không tặng cô gì đây, bụng đinh ninh vậy rồi lầm bầm, tôi đâm ra ghét cô…
Hôm rồi tình cờ gặp cô tại một phòng khám tư nhân. Cô chủ động kéo tôi lại nói chuyện, cô vẫn nhận ra tôi nhờ nốt ruồi ở giữa trán và nhờ đứa cháu cùng đi với tôi giờ là học trò của cô. Cháu có kể về tôi với cô. Cô níu tay lại hỏi han bệnh tình, dặn cố gắng. Mấy khi được trò chuyện với cô, tôi đem chuyện mất tiền ngày xưa ra hỏi, cô nói: Cô biết cả lớp thắc mắc sao cô làm vậy nhưng khi mới bước vào lớp học, đảo mắt một vòng, cô biết ngay trò nào có tội. Và vì cô biết bạn ấy không xấu, mẹ đang ốm nên mới làm vậy, nếu làm rõ trắng đen, sợ bạn ấy xấu hổ mà bỏ học, nên cô đã xử như vậy, cô biết em buồn cô nhưng cô chấp nhận, em buồn cô còn dễ chịu hơn việc bạn ấy bỏ học mà. Trò chuyện cởi mở, tôi thấy tiếc khi biết rằng, cô thích ăn mít nhất. Giá mà ngày đó…
Cô ơi! Học trò sai rồi! Giờ thì trò đã hiểu, món quà lớn nhất của thầy cô là kết quả của quá trình học tập và rèn luyện của học sinh. Tấm lòng sẽ là món quà lớn nhất mà thầy cô muốn nhận. Cô của em ơi, chưa năm nào 20-11 em mang quà đến thăm thầy cô của mình nhưng với em, thầy cô là những người đưa đò đáng kính nhất. 20-11 năm nay, em nhất định sẽ đến thăm cô với trái mít vườn nhà và sẽ nói với cô những lời tri ân thật lòng nhất, đó là món quà thật ý nghĩa phải không cô?!...
Nguyễn Thị Bích Nhàn