Bầu cử Tổng thống Mỹ 2012: Hai ứng cử viên chuẩn bị cho cuộc tranh luận cuối cùng

Sau màn "gỡ điểm" của đương kim Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama (Barack Obama) trong cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ hai diễn ra hôm 16-10, cuối tuần này cả hai ứng cử viên tổng thống lại chuẩn bị cho cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng sẽ diễn ra tại bang Phloriđa (Florida) vào tối 22-10 (giờ địa phương).

Ngay từ tối 19-10, đương kim Tổng thống Ôbama đã đến trại Đavít (Camp David) và sử dụng ba ngày liền để chuẩn bị cho cuộc tranh luận cuối cùng. Trong khi ứng cử viên Mít Rômni (Mitt Romney) cũng đã có mặt tại bang Phloriđa cùng nhóm vận động tranh cử. Nơi ứng cử viên của đảng Cộng hòa chọn để tiếp xúc cử tri là bãi biển Đâytôna (Dayton).

Chủ đề của cuộc tranh luận tới sẽ tập trung vào chính sách đối ngoại, trong đó tình hình tại Trung Đông và vấn đề chống khủng bố sẽ được giành nhiều thời gian hơn các chủ đề khác. Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại bãi biển Đâytôna tối 19-10, ông Rômni đã công kích chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Ôbama nhất là trong vấn đề đảm bảo an ninh cho các nhân viên tại nước ngoài, cụ thể là vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Bengadi (Banghazi) ở Libi khiến đại sứ Mỹ và 3 nhân viên khác thiệt mạng. Ông Rômni cho biết chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Ôbama đã bị rút ngắn bất thường, đồng thời cáo buộc trong chiến dịch này, ông chủ Nhà Trắng "không có chương trình nghị sự cho tương lai, không có chương trình nghị sự cho người Mỹ, và cũng không có chương trình nghị sự cho nhiệm kỳ 2". Ông Rômni cho rằng chính quyền của Tổng thống Ôbama đã không gửi đến cử tri một thông điệp rõ ràng nào cho thấy: "họ sẽ làm gì trong 4 năm tới".

Trong khi đó, trước các cử tri tại bang Phloriđa, nhóm vận động tranh cử của ông chủ Nhà Trắng cũng cho rằng ông Rômni chỉ đưa ra những giả định mà không cung cấp bằng chứng cụ thể nào về sự thất bại trong chính sách đối ngoại của ông Ôbama. Trên thực tế, chính sách chống khủng bố của Mỹ đã thu được nhiều kết quả, đáng kể nhất là vụ tiêu diệt trùm khủng bố Ôxama Bin Lađen (Osma Bin Laden). Theo các nhà phân tích, cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ ba này được dự báo sẽ là "cuộc so găng nảy lửa" giữa hai ứng của viên, giành sự ủng hộ cuối cùng của các cử tri còn "dao động" trước khi bước vào cuộc bầu cử. Dự kiến, cuộc tranh luận sẽ thu hút khoảng 10 triệu lượt người xem truyền hình trên cả nước.

Cuộc thăm dò dư luận của viện Gallup công bố ngày 19-6 cho biết hiện có nhiều người Mỹ hơn tin rằng ông Ôbama sẽ có nhiệm kỳ thứ hai tốt hơn. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Ôbama sau cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ hai là 51% trong khi chỉ có 38% dành cho ông Rômni, giảm gần 50% sự ủng hộ dành cho ứng cử viên này sau lần tranh luận trực tiếp lần đầu tiên là 72%. Báo cáo tài chính mới nhất công bố cuối tuần này cho thấy trong tháng 9, quỹ vận động tranh cử của Tổng thống Ôbama đã quyên được 181 triệu USD, nhiều hơn so với số tiền mà quỹ vận động tranh cử của ông Mít Rômni là 170 triệu USD.

Theo TTXVN