Hưởng ứng cuộc vận động: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi

(NTO) Cùng với đẩy mạnh sản xuất, kết nối giao thương, các doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối trong tỉnh đã chú trọng tìm kiếm và mở rộng thị trường về các vùng nông thôn, miền núi. Đây không chỉ là tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà còn là giải pháp kích thích tiêu thụ hàng hóa trong thời điểm sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn như hiện nay.

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức thành công 5 Hội chợ đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng nông thôn trong tỉnh. Trong tháng 8, Sở Công thương hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức 2 “phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” tại xã Lợi Hải (Thuận Bắc) và xã Phước Đại (Bác Ái) thu hút 15 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia, với 30 gian hàng giới thiệu nhiều mặt hàng: May mặc, điện tử gia dụng, hóa mỹ phẩm, sách giáo khoa, vở viết… và hàng tiêu dùng thiết yếu.

 
Nhân dân xã Phước Đại, Bác Ái chọn mua hàng Việt chất lượng cao
tại phiên chợ “ Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi”. Ảnh: Thanh Long

Đây là một trong những hoạt động nhằm kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện để người dân nông thôn, miền núi trong tỉnh có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, giá phải chăng. Song song với các hoạt động trưng bày, giới thiệu, mua bán hàng hóa tại phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn, miền núi”, các doanh nghiệp còn tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm, tư vấn cho người tiêu dùng; đồng thời đẩy mạnh hoạt động kết nối với nhà bán lẻ, đại lý mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường nông thôn, miền núi. Qua đó xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh và phát triển hệ thống phân phối lâu dài. 

Cùng với các doanh nghiệp trong tỉnh, Trung tâm Điện máy Hoàng Duy Dương cũng tham dự 2 phiên chợ lần này với chương trình giảm giá từ 15-40% ,cho hơn 500 mặt hàng điện gia dụng và 28 mặt hàng điện máy. Anh Nguyễn Hữu Duy, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Vì thế, chúng tôi có dịp giới thiệu các sản phẩm của mình, đồng thời cũng mang đến những sản phẩm có chất lượng cao, giá rẻ phục vụ bà con tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Qua lần tham gia này, với doanh số gần 200 triệu đồng, chúng tôi nhận thấy đây là thị trường đầy tiềm năng và mong ngành chức năng tiếp tục triển khai thêm nhiều phiên chợ như thế này”.

Nhằm thu hút sức mua của người tiêu dùng, không chỉ riêng Trung tâm Điện máy Hoàng Duy Dương, mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia phiên chợ đều xây dựng giá bán hàng hóa cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên địa bàn và tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi. Vì vậy hàng hóa được bày bán tại các phiên chợ đều có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn. Nhờ thực hiện cùng lúc nhiều chính sách kích cầu nên mỗi phiên chợ đã thu hút nhiều bà con đến mua sắm. Tại “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi” ở huyện Bác Ái, chị Ka tơ Thị Nghép, thôn Tà Lú III, xã Phước Đại cho biết:“Với bà con ở miền núi chúng tôi, phiên chợ như thế này rất thuận lợi, bởi thường ngày muốn mua hàng tốt rất khó phải xuống tận Phan Rang. Nay có phiên chợ, hàng hóa mua được khuyến mãi, giá rẻ, chất lượng lại tốt nên yên tâm lắm”.

Việc các doanh nghiệp tăng cường khuyến mãi cộng với việc người dân tin tưởng vào chất lượng hàng nội đã khiến sức mua tại các phiên chợ hàng Việt tăng cao. Anh Trương Phan Thành Trai, Phó giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, hào hứng cho biết: “Tại phiên chợ huyện Thuận Bắc, đơn vị đã chuẩn bị lượng hàng hóa khá lớn, hàng trăm mặt hàng thuộc 10 nhóm hàng Việt Nam chất lượng cao như thực phẩm, hàng may mặc, dụng cụ nhà bếp, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, đồ dùng gia đình,…Chỉ trong vòng một ngày, lượng hàng chuẩn bị đã được bán hết. Thông qua chương trình này siêu thị cũng nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nhân dân địa phương để đưa những sản phẩm phù hợp vào hệ thống kinh doanh của mình, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm”

Có thể thấy, trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng thì việc tổ chức các phiên chợ về nông thôn, miền núi không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong nước mà còn là giải pháp kích cầu, mở rộng thị trường. Theo lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, nhờ nỗ lực kích cầu thị trường tiêu thụ nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng năm 2012 ước đạt 4.505,16 tỷ đồng, tăng 21,6% so cùng kỳ, đạt 47,42% kế hoạch. Nhìn chung việc đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh ta những năm gần đây đã tỏ rõ hiệu quả phía doanh nghiệp, nhà phân phối và người dân ở các vùng nông thôn, miền núi.

Ông Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm: “Thành công lớn nhất sau 3 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các sản phẩm sản xuất trong nước và hàng Việt đã tạo được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên để hàng Việt “sống khỏe”, chiếm lĩnh thị trường, cần sự chung tay, vào cuộc từ 3 phía: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, các doanh nghiệp trong tỉnh cần đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, miền núi để người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận được với hàng Việt và có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu.