Cơ sở pháp lý chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Quần đảo Hoàng Sa nằm trong khoảng vĩ độ 150 45’ đến 170 15’ Bắc, kinh độ 1110 đến 1130 Đông, gồm hơn 30 hòn đảo, đá, cồn san hô, bãi cát, trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 185 km, từ Bắc xuống Nam khoảng 150 km, với diện tích khoảng 15.000 km2. Quần đảo Hoàng Sa cách đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi khoảng 220 km, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 260 km. Quần đảo chia làm 2 nhóm đảo: nhóm phía Đông và nhóm phía Tây; tổng diện tích phần nổi của các đảo thuộc quần đảo khoảng 10 km2.     

 
Quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nguồn: Cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Dựa vào điều kiện địa lý, lịch sử và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi là Công ước Luật Biển 1982); nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa:

Một là, Nhà nước phong kiến Việt Nam trước đây là người đầu tiên trong lịch sử đã làm chủ và thực hiện quyền kiểm soát, quản lý, cai trị và khai thác quần đảo Hoàng Sa với tư cách Nhà nước. Trước đó, quần đảo Hoàng Sa chưa nằm trong hệ thống địa lý hành chính và chịu sự quản lý, cai trị của bất cứ quốc gia nào khác. Không một quốc gia nào phản đối sự chiếm hữu của Việt Nam đối với Hoàng Sa và chưa xảy ra sự tranh chấp về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này suốt nhiều thế kỷ trước thế kỷ XX.

Hai là, quyền làm chủ và cai trị của các chính quyền kế tiếp nhau của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là thực sự rõ ràng và phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Việt Nam đã tổ chức những đơn vị hành chính của Nhà nước Việt Nam một cách liên tục và thích hợp. Quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn thuộc phủ Quảng Ngãi. Năm 1938 được gọi là Đại Trường Sa (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) thuộc Thừa Thiên. Năm 1961 thành xã Định Hải, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định thành huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam).

Ba là, việc thực hiện chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ đã được chính quyền kế tiếp nhau của Việt Nam tiến hành bằng nhiều biện pháp. Việc thăm dò, khảo sát, vẽ bản đồ, dựng bia chủ quyền, trồng cây, xây đèn biển, đặt đài khí tượng,... được tiến hành lâu đời và ngày càng được đẩy mạnh. Việc bảo vệ và kiểm tra, kiểm soát đã được thực hiện ngay từ đầu và được các chính quyền kế tiếp nhau đảm nhiệm liên tục.

Bốn là, các chính quyền kế tiếp nhau ở Việt Nam luôn tích cực bảo vệ chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam.

Năm là, chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được nhiều nhà hàng hải, nhà địa lý và các nhà nghiên cứu phương Tây xác nhận từ nhiều thế kỷ trước. Các triều đình Trung Quốc trong nhiều trường hợp đã trực tiếp hoặc gián tiếp công nhận quyền làm chủ và quyền khai thác quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhiều học giả Trung Quốc trước đây cũng từng viết sách nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Nhà sư Thích Đại Sán trong cuốn”Hải ngoại ký sự” viết năm 1696 đã xác nhận các chúa Nguyễn hàng năm cho thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở vùng Vạn lý Trường Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Tập tài liệu của Trung Quốc “Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên” do Hàn Chấn Hoa chủ biên, trang 115, thiên thứ nhất, cũng ghi chép dấu vết trên đảo Vinh Hưng (Phú Lâm) ở Hoàng Sa có miếu gọi là Hoàng Sa tự (Hoàng Sa tự được vua Minh Mạng triều Nguyễn cho xây dựng). Nhiều luật gia quốc tế nổi tiếng cũng thừa nhận Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý, căn cứ lịch sử và thực tế chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.

Về tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này và chủ trương giải quyết với bên liên quan bằng đàm phán hòa bình, trên cơ sở nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển 1982 và các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia ký kết, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên Biển Đông.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân