Thị trường phát điện cạnh tranh gặp khó

1 tháng sau khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bắt đầu gặp những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, bản thân ngành điện cũng sẽ phải điều chỉnh để vừa theo hướng thị trường nhưng phải phù hợp với thực tế của Việt Nam.

Bắt đầu từ 1/7, các doanh nghiệp (DN) sản xuất điện bán điện cho bên mua theo một phương thức mới. Đó là chào giá và cạnh tranh lẫn nhau. Có bán được điện hay không phụ thuộc nhiều vào giá mà doanh nghiệp chào bán. 

Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia được Bộ Công thương giao nhiệm vụ điều hành hệ thống điện và thị trường điện. Việc tính toán phụ tải cho ngày tiếp theo sẽ quyết định sẽ mua điện của nhà máy nào, số lượng bao nhiêu.

 

 Ảnh minh họa.

Công ty Mua bán điện cho biết: từ ngày vận hành thị trường tới nay, 100% nhà máy tham gia đều được huy động. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc công ty Mua bán điện cho biết: “Chúng tôi thực hiện thanh toán cho các nhà máy điện theo 2 phần. 95% sản lượng điện phát thanh toán theo giá hợp đồng và 5% theo giá thị trường. Tỷ lệ này sẽ thay đổi dần theo hướng tăng dần tính cạnh tranh trong thị trường”.

Nhưng các nhà máy điện có giá thành sản xuất cao bắt đầu nhận thấy trong cuộc chơi này họ khó cạnh tranh vì có thời điểm, có nhà máy thủy điện chỉ chào giá bán là 0 đồng hoặc 1 đồng/kwh. Sở dĩ các nhà máy thủy điện này chào giá gần như bằng 0 vì khi đó, nước tại các hồ chứa của họ lên cao, đằng nào cũng phải xả nước đi. Đại diện của nhiều đơn vị nhiệt điện cho biết: ngay sau khi tham gia thi trường phát điện cạnh tranh đã bị sụt giảm về sản lượng. Thậm chí có ngày lỗ tới vài tỷ đồng.

Việc thực hiện theo huy động của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia khiến các nhà máy nhiệt điện khó khăn trong vận hành lò hơi. Họ phải gánh chi phí khoảng 2 tỷ đồng cho mỗi lò trong một lần khởi động lại.

Ông Phạm Hồng Khánh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty điện Vinacomin nói: “Chúng tôi dùng công nghệ tuần hoàn, vì thế việc lên lò xuống lò rất tốn kém, trong khi đó phụ tải không ổn định. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn”.

Đến thời điểm này có tổng cộng 73 nhà máy điện đang vận hành thương mại trong hệ thống điện quốc gia. 29 nhà chào giá trực tiếp trên thị trường phát điện với tổng công suất đặt là 9.035 MW.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, Cục Điều tiết Điện lực rà soát lại các cơ sở pháp lý trong quá trình điều độ, thanh toán…, nếu cần thiết có thể thuê tư vấn có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ. Những điều chỉnh trong thời gian tới có lẽ cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho DN khi chuyển từ cơ chế hiện tại theo hướng thị trường mới mẻ chưa từng có trong ngành điện từ xưa tới nay.

Nguồn VTV.VN