Vòng tròn màu xanh da trời, đen, vàng, đỏ và xanh lá cây, tạo nên một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất trên thế giới, vốn đại diện cho 5 khu vực của thế giới tham gia các kỳ olympic (trong đó bắc và nam mỹ được coi là một khu vực, cùng với châu phi, châu Úc, châu Á và châu Âu).
Ủy ban Olympic quốc tế đã tuyên bố rõ: “Biểu tượng của Olympic thể hiện hoạt động của Phong trào Olympic và đại diện cho sự đoàn kết của 5 khu vực và sự họp mặt của các vận động viên đến từ khắp thế giới tại các kỳ thế vận hội”.
Nhưng 6 màu sắc, nếu tính đến cả nền trắng của lá cờ Olympic, dụng ý đại diện cho những màu sắc khác nhau được nhìn thấy trên các lá cờ của các quốc gia tranh tài tại các kỳ Olympiad I, II, III, IV và V. Nhà sử học David Young nói rằng, có vẻ như những vòng tròn này cũng là biểu tượng của 5 kỳ Olympic trước đó được tổ chức từ trước năm 1914.
Mỗi màu sắc không tương đương với một lục địa cụ thể như người ta vẫn thường nghĩ. Mặt khác, nếu xét về mặt kỹ thuật, trên thế giới có 7 lục địa chứ không phải 5.
“Đây là một biểu tượng quốc tế đúng đắn”, ông Pierre de Coubertin, người sáng lập ra thế vận hội Olympic hiện đại đã viết như vậy hồi năm 1913. Ông đã nói về sự đoàn kết của những khu vực khác nhau trên thế giới, chứ không phải là những lục địa khác nhau.
Ông Coubertin đã thiết kế lá cờ Olympic hồi năm 1913, thời điểm Thế chiến lần thứ nhất bùng nổ, để tượng trưng cho sự hòa bình và tình anh em. Dẫu rằng ngay năm sau đó nó đã được chấp nhận làm biểu tượng chính thức của Olympic nhưng ông Coubertin đã phải đợi đến sau khi thế chiến lần thứ nhất chấm dứt mới được nhìn thấy lá cờ Olympic tung bay tại Thế vận hội Olympic Antwerp tổ chức vào năm 1920. Ông Coubertin đã đặt làm lá cờ Olympic để đánh dấu sự kiện 20 năm ngày thành lập tổ chức IOC, ngày 23/6/1914 tại Paris.
Thế vận hội mùa đông St. Moritz tổ chức năm 1928 tại Thụy Sỹ lần đầu tiên đã giới thiệu biểu tượng 5 vòng tròn Olympic trên poster chính thức của Olympic. Nhưng chỉ đến thế vận hội mùa hè năm 1936 diễn ra ở Berlin (Đức), biểu tượng này mới trở nên nổi tiếng một cách rộng rãi.
Như là một hình ảnh của chủ nghĩa Olympic, ông Coubertin nghĩ rằng, những vòng tròn này có ý nghĩa sâu xa, đó là sự đoàn kết của nhân loại.
Sử gia người Mỹ Robert Barney nói trong bài viết của ông hồi tháng 11/1992 có nhan đề “Biểu tượng vĩ đại”, đã được xuất bản trên Tạp chí Olympic (ấn phẩm chính thức của ỦY ban Olympic quốc tế) rằng, gốc rễ của niềm cảm hứng về các vòng tròn đến từ chính công việc trước đó của ông Coubertin.
Năm 1890, ông Coubertin đã trở thành Chủ tịch của Union des Societes Francaises des Sports Athletiques (USFSA), một tổ chức quản lý thể thao của Pháp. USFSA hình thành là kết quả của sự hợp nhất giữa 2 tổ chức thể thao của Pháp, trong đó có 1 tổ chức do ông Coubertin lãnh đạo. Để thể hiện sự hợp nhất này, USFSA đã tạo ra một lô-gô với 2 vòng tròn lồng vào nhau được in trên đồng phục của các vận động viên USFSA bắt đầu từ năm 1893 – một năm trước khi ông Coubertin đề xướng Hội nghị Sorbonne ở Paris, nơi Phong trào Olympic hiện đại bắt đầu.
Ý nghĩa biểu trưng của các vòng tròn dường như không mất đi theo ông Coubertin. Các vòng tròn này đại diện cho sự trọn vẹn, theo như nhà tâm lý học Karl Jung, và khi được nối kết lại với nhau, chúng là sự liên tục.
Nguồn Tinthethao.com.vn