Vấn đề hôm nay:

Đừng đẩy cái thiệt cho nông dân !

(NTO) Gần đây báo chí đề cập nhiều đến tình trạng sản xuất, tiêu thụ một số vật tư nông nghiệp kém phẩm chất, hàng giả, hàng được quảng cáo quá mức so với chất lượng thật… bởi các nhân viên bán hàng của hãng sản xuất và có cả sự "tiếp tay" của các đại lý bán hàng. Trong số những doanh nghiệp làm ăn gian dối bị phát hiện còn có cả doanh nghiệp lớn, thương hiệu được “khẳng định” trên thị trường.

Đối với tỉnh ta, tuy diện tích đất sản xuất nông nghiệp không lớn như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhưng với gần 70% dân số sống dựa vào nghề nông và hàng năm đã tiêu thụ lượng phân bón cho các loại cây trồng cũng tính đến con số ngàn tấn. Thuốc bảo vệ thực vật các loại cũng xem xem con số hàng trăm tấn.

Thị trường phân bón đa dạng chủng loại, nhãn mác được các đại lý bán cho nông dân
đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Sơn Ngọc

Trong thực tế chung đáng lo ngại về chất lượng của các loại vật tư nông nghiệp đã xảy ra ở không ít địa phương trong cả nước thì tỉnh ta cũng khó tránh khỏi. Với hàng trăm cơ sở bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và có thể nói hầu như xã, phường nào cũng có chí ít từ 2 điểm bán trở lên. Chỉ nói riêng phân bón cũng đã có đến hàng chục thương hiệu, chủng loại từ dạng hạt để bón trực tiếp vào đất đến dạng bột hay nước bón qua lá… Trong số đó liệu có bao nhiêu sản phẩm đúng với tiêu chuẩn chất lượng như đã ghi trên bao bì, nhãn mác?. Tất nhiên là rất khó đoán định và ngay cả bà con nông dân khi mua chỉ được đại lý giới thiệu rất hay về sản phẩm còn thực tế thì rất mù mờ về chất lượng, “được chăng hay chớ”. Thuốc bảo vệ thực vật cũng thế. Đã không ít trường hợp bà con mua phải hàng kém chất lượng bón, phun cho cây trồng nhưng cây chậm phát triển, sâu bệnh không giảm mà còn tăng mạnh… thì cũng đành chịu, không biết kêu ai và thực tế là không có cơ sở để “kêu” với đại lý đã bán đồ “dỏm” cho mình.

Nông dân là đối tượng chịu tác động lớn nhất và chịu thiệt thòi nhất khi mua phải vật tư chất lượng không đạt yêu cầu. Bởi lẽ, bà con không chỉ mất tiền mua, công chăm bón mà còn mất cả năng suất, chất lượng sản phẩm do cây trồng kém phát triển hoặc hư hại vì vật tư kém chất lượng gây ra… Do vậy, để tránh “thiệt đơn, thiệt kép” cho nông dân, yêu cầu đặt ra là ngành bảo vệ thực vật cần thường xuyên kiểm tra, công bố công khai những điểm bán hàng kém chất lượng cũng như sản phẩm vật tư chất lượng không đạt theo tiêu chuẩn ghi trên nhãn mác… để nông dân cảnh giác phòng tránh thậm chí tẩy chay cả thương hiệu sản xuất. Về phía nông dân cũng cần cảnh giác cao, tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua sử dụng để tránh “tiền mất tật mang”.