Eurozone gỡ mối tơ vò

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã “tiến gần” tới một thỏa thuận về “hiệp ước tăng trưởng” mới bằng việc nhất trí chi tổng cộng 120 tỷ euro để tiếp thêm sinh lực cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Hội nghị thượng đỉnh thường niên mùa Hè của Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc chiều 28/6 tại Brusssells, Bỉ và sẽ kéo dài trong 2 ngày.

Hội nghị lần này diễn ra trong khi các nhà lãnh đạo của liên minh vẫn bất đồng về việc phải chia sẻ bớt những quyền lực cơ bản của quốc gia cho EU để đổi lấy việc hợp lực đối phó cuộc khủng hoảng nợ công, và thiết lập một “Liên minh ngân hàng” có cơ quan thanh tra giám sát và bảo hiểm tiền gửi tập trung.

Bên cạnh đó, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel chú trọng tới những thay đổi dài hạn mang tính cơ cấu đối với khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone, thì Madrid và Rome lại đang tìm kiếm những giải pháp tức thời khi chi phí vay nợ của họ đang gia tăng nhanh chóng.

Trong thư mời họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nhấn mạnh rằng thách thức đối với Hội đồng châu Âu hiện lớn hơn bao giờ hết là phải chứng tỏ một cách rõ ràng và cụ thể rằng liên minh này đang làm bất kỳ việc gì cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Phát phiểu tại cuộc họp, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) cũng kêu gọi cần có những giải pháp dài hạn đi đôi với những biện pháp thiết thực trong ngắn hạn để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Do vậy, trọng tâm cuộc họp lần này là thông qua “Thỏa thuận về Tăng trưởng và Việc làm”, bàn về Khung Tài chính dài hạn (MFF) và một vấn đề không kém phần quan trọng là thiết lập một liên minh kinh tế và tài chính. Eurobond - một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất, đang vấp phải sự phản đối hết sức mạnh mẽ của Đức - sẽ được hội nghị đề cập tới như một mục tiêu trung hạn.

Tại cuộc họp báo khi kết thúc ngày họp thứ nhất 28/6 tại Brusssells, Chủ tịch Van Rompuy tuyên bố các nhà lãnh đạo châu Âu đã “tiến gần” tới một thỏa thuận về “hiệp ước tăng trưởng” mới bằng việc nhất trí chi tổng cộng 120 tỷ euro để tiếp thêm sinh lực cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Kế hoạch này – do 4 nền kinh tế hàng đầu của khu vực Eurozone là Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha đề xuất - là một gói các biện pháp nhằm tạo điều kiện tăng sản lượng và tạo việc làm.

Nguồn www.chinhphu.vn