Thể chế hóa việc ứng dụng CNTT

Đây là một trong 13 đề xuất với Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp vừa được Diễn đàn cấp cao về công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) thông qua, chiều 27/6, góp phần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Các đại biểu dự Diễn đàn. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Với Phương châm “Nhận diện xu thế - Chia sẻ tầm nhìn - Định vị chiến lược - Tìm kiếm giải pháp”, các nhà tổ chức Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2012 (Vietnam ICT Summit 2012) mong muốn nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về quan điểm mới của Đảng, Nhà nước trong phát triển CNTT là bộ phận nền tảng của hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia; trao đổi thảo luận về tầm nhìn, chiến lược và các giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh; đề xuất, khuyến nghị với cơ quan nhà nước, với cộng đồng doanh nghiệp các giải pháp phát triển và ứng dụng CNTT - hiện đại hóa đất nước.

Trong ngày làm việc (27/6), các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về các giải pháp cụ thể giúp hiện đại hóa và giải quyết các vấn đề bức xúc về hạ tầng. Các doanh nghiệp đã trình diễn 5 giải pháp thông minh là: Giải pháp hỗ trợ quản lý giáo dục - SMaS của Viettel, Giải pháp tự động phát hiện vi phạm giao thông bằng hình ảnh STM01 của Công ty Biển Bạc, Toàn cầu hóa và kiểm soát biên giới của Pradotec, Hệ thống thông tin địa lý GIS và các ứng dụng trên nền GIS của Công ty Vietsoftware, Hệ thống Chính quyền điện tử - FPT.eGov của Công ty FPT,…

Xác định vai trò trung tâm của CNTT

Trước khi kết thúc Diễn đàn, các đại biểu đã thông qua bản khuyến nghị 13 điểm, là những mong muốn của các nhà quản lý cấp cao trong lĩnh vực CNTT gửi tới Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Bản khuyến nghị đưa ra 4 đề xuất mang tính đột phá về cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Giải pháp quyết liệt nhất được đề xuất với Chính phủ là cần sớm có quy định bắt buộc ứng dụng CNTT trong mọi công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Theo các đại biểu dự Diễn đàn, nếu thực hiện được điều này, việc ứng dụng CNTT sẽ được thể chế hóa thay vì mang tính khuyến khích như hiện nay.

Để huy động các nguồn lực đầu tư và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho phát triển, ứng dụng CNTT, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng Quy hoạch tổng thể hạ tầng CNTT-TT quốc gia; thí điểm và hoàn thiện cơ chế hợp tác công - tư (PPP).

Các nhà quản lý CNTT mong muốn Chính phủ sớm hình thành và ban hành chuẩn CNTT quốc gia cho tất cả các cấp, các ngành để đảm bảo khả năng kết nối liên thông và đồng bộ hóa; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT quốc gia; đưa nội dung quy hoạch nguồn nhân lực CNTT vào quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Vai trò của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương cũng được xác định rõ, theo đó người đứng đầu sẽ trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ ứng dụng hiệu quả CNTT tại đơn vị mình.

Bên cạnh đó, bản khuyến nghị cũng đề xuất cần sớm có nghị quyết chuyên đề về CNTT và hiện đại hóa đất nước phù hợp với quan điểm mới của Đảng về vai trò của CNTT để thay thế cho Chỉ thị 58/CT-TW; thành lập Ủy ban quốc gia về công nghệ thông tin - hiện đại hóa đất nước.

Trong giai đoạn đến năm 2015, các nhà quản lý CNTT kiến nghị cần ưu tiên tập trung ứng dụng CNTT để hiện đại hóa một số ngành, lĩnh vực gồm: giao thông, y tế, giáo dục, cải cách hành chính, đô thị nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội hiện nay.

Về giao thông, cần sớm ứng dụng CNTT để xây dựng hệ thống thông tin giao thông theo thời gian thực; phát triển hệ thống giao thông thông minh; kết nối thông tin liên ngành cho các giải pháp giao thông; nâng cao ý thức giao thông.

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, cần ứng dụng CNTT để đổi mới phương thức giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cá nhân; nâng cao sự bình đẳng về cơ hội trong giáo dục đào tạo (giàu-nghèo, vùng-miền, dân tộc, giới tính, khuyết tật); hỗ trợ giải quyết các bức xúc của hạ tầng giáo dục (giáo viên, trường lớp, học liệu, khảo thí,..);

Trong xây dựng và quản lý đô thị, cần ứng dụng CNTT để phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội thông minh có thể kết nối liên thông, đồng bộ hóa; nâng cao sức cạnh tranh của các thành phố - trung tâm kinh tế vùng.

Diễn đàn cũng kiến nghị sớm ứng dụng CNTT nhanh chóng triển khai xây dựng và cấp phát mã số gốc duy nhất, không thay đổi cho mỗi người dân (mã số công dân) cùng với thẻ công dân điện tử (hoặc CMND điện tử). Trước mắt, các Bộ, ngành nghiên cứu ngay việc sử dụng mã số này cho công việc của mình. Đồng thời xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm kết nối các hệ thống thông tin toàn diện về công dân trên cơ sở mã số công dân.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, bản kiến nghị đề xuất cần nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cạnh tranh cùng đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tham gia có chất lượng vào công cuộc phát triền và ứng dụng CNTT, hiện đại hóa đất nước. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những nhà quản lý cần đi đầu trong ứng dụng quản trị doanh nghiệp thông minh; gắn kết việc nâng cao chất lượng quản trị và kỹ năng lao động với đầu tư phát triển năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) và trình độ công nghệ. Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp cũng được đề xuất thực hiện theo hướng thiết lập chuỗi giá trị: Nghiên cứu - Đào tạo – Thiết kế - Phát triển - Triển khai - Cung ứng sản phẩm/dịch vụ.

Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT lần thứ 3, dự kiến tổ chức vào tháng 6/2013. Kết quả triển khai các khuyến nghị của Diễn đàn năm nay vào thực tiễn cuộc sống và những hiệu quả mang lại sẽ được tổng hợp, đánh giá tại Diễn đàn năm 2013. 

Nguồn www.chinhphu.vn