Kính thưa Bà Chủ tịch, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Bra-xin,
Kính thưa Ngài Tổng thư ký Liên Hợp Quốc,
Kính thưa các quý vị Trưởng Đoàn các nước,
Thưa các quý bà, quý ông,
Thay mặt cho Chính phủ và Đoàn đại biểu Việt Nam, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Cộng hòa liên bang Braxin cũng như là Liên Hợp Quốc về lòng mến khách và sự chuẩn bị chu đáo Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Chính phủ Việt Nam coi phát triển bền vững là mục tiêu
xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay và trong tương lai. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của thế giới. Như ở các quốc gia khác, Chính phủ Việt Nam coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay và trong tương lai. Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự 21 quốc gia và các chiến lược phát triển đất nước. Nhờ những chính sách phù hợp và nỗ lực to lớn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng với sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội. Trong hai mươi năm qua, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP bình quân 7,41%/năm. Năm 1992 giá trị GDP bình quân đầu người mới đạt xấp xỉ 150 USD, năm 2011 đã đạt 1300 USD. Tỷ lệ hộ ngèo giảm từ 58% năm 1993 còn 11,8% vào năm 2011. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập tiểu học vào năm 2000, phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010 và triển khai phổ cập mầm non cho trẻ 05 tuổi, mục tiêu hoàn thành vào năm 2015. Tính đến năm ngoái, tỷ lệ hộ gia đình có nước sạch đạt 92%, tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế là 63%, tuổi thọ trung bình người dân là gần 74 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ sinh viên đại học cao đẳng là 51%/49%. Theo Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc được công bố bởi tổ chức New Economic Foundation – một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh – vào ngày 14 tháng 6 năm 2012, Việt Nam xếp thứ hai trong tổng số 151 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thực tế của Việt Nam có thể là bài học rằng ngay cả khi năng suất lao động chưa cao (GDP/đầu người dưới 3000 USD) vẫn có thể triển khai thành công các chính sách phát triển bền vững.
Thưa các quý bà, quý ông,
Thế giới hiện đang phải đối mặt với các thách thức lớn như khủng hoảng tài chính, năng lượng và lương thực, thiên tai và tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu vốn là những rào cản chính đối với phát triển bền vững.
Các đại biểu dự Hội nghị đánh giá cao bài phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Thay mặt cho Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi xin đề xuất với Hội nghị ba hoạt động nhằm giúp thực hiện Tuyên bố Rio+20 về “Tương lai chúng ta ước vọng” như sau:
Thứ nhất, Liên hợp quốc cần đưa ra tập hợp các Mục tiêu Phát triển bền vững hướng tới 2020 và 2030, và thành lập một cơ chế giám sát và đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững. Các mục tiêu Phát triển bền vững cần có tính phổ cập và áp dụng được cho tất cả các quốc gia, nhưng cho phép các cách tiếp cận phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia, thể hiện sự gương mẫu và trách nhiệm của các nước có trình độ phát triển cao.
Thứ hai, kinh tế xanh là một chiến lược hiện đại trong cấu phần về kinh tế và môi trường của trụ cột 3 khái niệm về phát triển bền vững 20 năm trước kể từ hội nghị Rio de Janeiro năm 1992. Với trọng tâm tập trung nhiều hơn vào giảm tiêu thụ năng lượng và tài nguyên, vào việc sử dụng nhanh chóng hơn các loại năng lượng tái tạo, về hợp tác và điều phối sử dụng nguồn nước sông ở cấp khu vực và giảm tốc độ biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cũng như các bài học của Việt nam về chính sách phát triển bền vững trong bối cảnh thu nhập quốc gia thấp, nền kinh tế xanh ngày nay không phải là một lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc đối với từng quốc gia. Trong khi đó, thời hạn và các hoạt động hiện thực hóa cần tùy thuộc lựa chọn của mỗi quốc gia. Chúng tôi đề xuất là tại các khu vực trên thế giới như Đông Á, Đông Nam Á, Bắc và Nam Mỹ, chúng ta thành lập, một cách phù hợp, các Trung tâm Khu vực về Kinh tế xanh. Các Trung tâm này sẽ theo dõi các chỉ số chính về kinh tế xanh của các quốc gia trong khu vực, tư vấn xây dựng chính sách và các thực tiễn tốt cho các quốc gia, tổ chức các hội thảo định kì sáu tháng về Kinh tế Xanh và giúp Liên hợp quốc chuẩn bị và công bố các Báo cáo thế giới định kì sáu tháng về Kinh tế Xanh, và tổ chức các Hội nghị Thế giới về Kinh tế Xanh và Phát triển Bền vững.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia ASEAN và Liên hợp quốc nhằm thành lập Trung tâm Khu vực ASEAN về Kinh tế Xanh tại Việt Nam và chia sẻ 50% chi phí hoạt động của Trung tâm này. Liên hợp quốc có thể thành lập một Trung tâm Liên hợp quốc về Kinh tế Xanh, đóng vai trò điều phối và hỗ trợ các Trung tâm Khu vực về Kinh tế Xanh trong bối cảnh chính phủ Hàn Quốc vừa thành lập một trung tâm như vậy.
Thứ ba, là hệ quả của việc phát thải CO2 và nóng lên toàn cầu, nước biển dâng ngày nay đã là một mối đe dọa thực sự đối với nhiều quốc gia và hòn đảo. Phần lớn đây là những quốc gia đang phát triển có nguồn lực, trình độ, và khả năng dự báo hạn chế. Hàng năm, 6 triệu tấn gạo được xuất khẩu đi khắp các quốc gia thiếu lương thực từ khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Mặc dù vậy, nước biển đang ngày càng xâm nhập sâu hơn vào các ruộng lúa. Diện tích rất nhiều hòn đảo ở khu vực Thái Bình Dương hàng năm đang ngày càng nhỏ lại. Do đó, chúng tôi kêu gọi Liên hợp quốc thành lập một Mạng lưới và xây dựng một Chương trình nhằm ứng phó với nước biển dâng nhanh chóng và hiệu quả, kết hợp kiến thức, kĩ thuật và nguồn lực của các quốc gia phát triển và đang phát triển nhằm ứng phó với vấn đề toàn cầu này. Việt Nam sẵn sàng làm thành viên tích cực của Mạng lưới này của Liên hợp quốc.
Thưa các quý bà, quý ông,
Chính phủ Việt Nam tái khẳng định cam kết của mình nhằm tích cực tham gia vào các nỗ lực toàn cầu của Liên hợp quốc vì một tương lai bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn sự chú ý của quý vị.
(*) Đầu đề do Cổng TTĐT Chính phủ đặt
Nguồn www.chinhphu.vn