Lập giá điện, điều chỉnh giá điện cần có một cơ chế và tiêu chí rõ ràng

Sáng 6/6, tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Các đại biểu đều chung ý kiến, qua gần 7 năm thực hiện, Luật Điện lực đã bộc lộ không ít những bất cập, khó khăn, vướng mắc; một số quy định không còn phù hợp với phương thức quản lý, điều hành của ngành điện trong điều kiện hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới cũng như tiến trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của đất nước.

Về vấn đề lập quy hoạch phát triển, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh), đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) đề nghị giữ nguyên chu kỳ lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 5 năm và có định hướng 10 năm tiếp theo, vì phù hợp với nhiệm kỳ hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho công tác điều hành.

Nhưng đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Đỗ Văn Dương (TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng, chu kỳ một quy hoạch chuyên ngành nói chung phải là 10 năm và có tầm nhìn cho ít nhất 10 năm sau đó. Như vậy, nên quy định chu kỳ lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 10 năm và có định hướng 10 năm tiếp theo. Mặt khác, quy hoạch phát triển điện lực cũng phải đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Các đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ sáng 6/6. Ảnh: VA

Về chính sách giá điện cũng còn những ý kiến khác nhau. Đại biểu Nguyễn Văn Quang (tỉnh Thanh Hóa) nhất trí chính sách giá điện phải tuân thủ theo kinh tế thị trường và có sự điều tiết của Nhà nước để đảm bảo an sinh xã hội và lợi ích của người tiêu dùng. Nhà nước cần phải có khung bảng giá như luật giá quy định. Ngoài ra, Nhà nước cũng phải quy định được giá truyền tải. Cách quản lý điện trong khâu quản lý cần phải được xem xét lại.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) cũng nhất trí việc bán giá điện theo cơ chế thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước, tuy vậy, phải chọn thời điểm thích hợp để “thả nổi” giá điện theo kinh tế thị trường vì việc sản xuất và truyền tải điện chưa có cạnh tranh. Đại biểu cũng cho rằng, lập giá điện và điều chỉnh giá điện cần phải xem xét có một cơ chế và tiêu chí rõ ràng, phải có đánh giá ảnh hưởng của giá điện đối với các ngành nghề khác nhau.

Ý kiến khác, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Hòa Bình) đề nghị, giá điện nên do nhà nước định giá và việc quy định các phí phải do Quốc hội quy định. Đại biểu cũng cho rằng, cần xem xét lại cơ cấu tổ chức ngành điện hiện nay đã hợp lý chưa? Mỗi khi giá điện thay đổi vẫn phải có sự tính toán hợp lý để không ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, nhiều ý kiến của các đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh đề nghị Nhà nước quy định khung giá bán lẻ điện bình quân, vì cho rằng, ngành điện hiện nay và trong thời gian tới vẫn do doanh nghiệp Nhà nước độc quyền chi phối. Nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền. Mặt khác, điện là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế-xã hội của cả nước, vì vậy, Nhà nước cần quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, giá bán lẻ điện nên do đơn vị điện lực xây dựng vì như vậy mới đảm bảo được tính chất bán giá điện theo cơ chế thị trường.

Cũng trong buổi sáng, các đại biểu ở các tổ đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Theo đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các vấn đề: điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư; các trường hợp đã bị kết án không được hành nghề luật sư; quy định cho phép viên chức được hành nghề luật sư; quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư; việc mở rộng đối tượng được yêu cầu luật sư bào chữa...

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam