Còn nhiều ý kiến khác nhau về việc thực hiện bình ổn giá

Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng 28/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giá.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá đã nêu rõ một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo luật, bao gồm: đối tượng áp dụng; thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá; bình ổn giá thị trường; việc xác định mức độ biến động bất thường; đăng ký giá...

Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh được quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ: giá trong đấu thầu; giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất; lãi suất tín dụng; tỷ giá hối đoái... có điều chỉnh trong Luật Giá hay không?

Về thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, đại biểu Đào Văn Bình (TP Hà Nội), đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre) và nhiều đại biểu khác cho rằng, Luật Giá chưa quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý giá đối với mỗi loại mặt hàng. Các đại biểu đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành liên quan.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình). Ảnh: Mạnh Hùng

Liên quan tới danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm: xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn; thóc, gạo tẻ thường…, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), những mặt hàng quy định này chỉ mang tính chủ quan, chưa làm rõ tính quy phạm pháp luật khi đưa ra danh mục này và yêu cầu cần rà soát lại. Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) đề nghị thêm vào danh mục bình ổn giá mặt hàng dầu thô; đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng nên bỏ mặt hàng sữa ra khỏi danh mục.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, phạm vi hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định trong danh mục là quá rộng, dẫn đến nhiều hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải bình ổn giá, ảnh hưởng đến quy luật cung cầu.

Đại biểu Đào Văn Bình (TP Hà Nội) cùng một số đại biểu khác nêu ý kiến về thẩm quyền quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá thì đều cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể và xác định rõ tiêu chí xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá ngay trong luật, không nên ghi chung chung giao Chính phủ quy định.

Liên quan đến lập quỹ bình ổn giá, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và nhiều ý kiến khác cho rằng, việc lập quỹ bình ổn giá là cần thiết nhưng trong luật không nêu điều kiện cụ thể để được bình ổn; việc trích lập quỹ cũng không rõ ràng, khi nào cần thiết thành lập quỹ và phải ghi rõ mục đích sử dụng quỹ, nguồn hình thành, cơ chế quản lý quỹ…

Về trường hợp thực hiện bình ổn giá vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, cần bình ổn giá ngay trong điều kiện bình thường, không chỉ khi giá có biến động bất thường. Ý kiến khác đề nghị quy định việc bình ổn giá trong trường hợp giá giảm. Nhưng nhìn chung, các đại biểu đều cho rằng cần tôn trọng quan hệ cung cầu và quy luật thị trường.

Thêm nữa, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đề nghị để bảo đảm tính khách quan cho các bên liên quan trong việc thực hiện bình ổn giá thì nên quy định trong luật thành lập Hội đồng tư vấn giá. Đồng thời, trong luật cũng cần phải quy định rõ khi giao cho cơ quan áp dụng thực hiện biện pháp bình ổn giá phải có quy định mức trần thời gian.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (TP Hòa Bình) cho rằng, việc đăng ký giá quy định trong luật còn mang tính xin cho, nặng về thủ tục hành chính. Hơn nữa, biện pháp “đăng ký giá” thể hiện sự can thiệp sâu của nhà nước làm ảnh hưởng tới quyền chủ động trong kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị để tránh mệnh lệnh hành chính và cơ chế xin cho thì nên đơn giản hóa thủ tục hành chính về việc đăng ký giá. 

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam