Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc báo cáo giải trình,
tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài đã được các đại biểu đề cập nhiều với 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định về quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định vấn đề này.
Các đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh); Lâm Lệ Hà (Kiên Giang); Trương Văn Vở (Đồng Nai) và nhiều đại biểu khác đồng ý quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài. Theo các đại biểu, chức năng chính của công đoàn là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, ở nước ta có hàng chục ngàn lao động nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tại các doanh nghiệp của Việt Nam. Trên thực tế, quan hệ giữa lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động ở một số nơi có phát sinh mâu thuẫn. Trong trường hợp như vậy, cần đề cao trách nhiệm và vai trò của công đoàn, tăng cường mối quan hệ giữa công đoàn với người lao động để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người lao động.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An); đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) không đồng ý với ý kiến trên và cho rằng, không cần thiết phải quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài trong Luật vì theo quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật thì công đoàn không chỉ có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn mà còn có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động nói chung, trong đó có lao động là người nước ngoài. Không quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài.
Về hệ thống tổ chức và tên gọi của công đoàn các cấp, nhiều ý kiến thống nhất như trong dự thảo Luật tên gọi của các cấp công đoàn, theo đó ở cấp trung ương tên gọi sẽ là “Tổng Công đoàn Việt Nam” thay cho “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” hiện nay. Nhưng đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) cũng như ý kiến của một số đại biểu khác tại hội trường lại cho rằng, nên giữ nguyên tên gọi “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” như hiện nay.
Về trách nhiệm của công đoàn trong việc “tổ chức và lãnh đạo đình công” (khoản 9 Điều 10), có ý kiến tán thành với quy định chung về trách nhiệm của công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công của công đoàn. Nhưng nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo đình công đối với công đoàn; trình tự, thủ tục cụ thể tổ chức và lãnh đạo đình công của công đoàn được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Ngọc Minh (TP Hải Phòng); đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) và nhiều đại biểu khác tán thành quy định nguồn thu của công đoàn bao gồm cả kinh phí do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng như trong dự thảo Luật. Các đại biểu đề nghị quy định mức đóng phí bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại đề nghị quy định mức đóng tối đa bằng 2% tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vì cho rằng kinh phí hoạt động còn được Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận nhiều vấn đề trong dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi) như: địa vị pháp lý của công đoàn; quy định thành lập Công đoàn cơ sở đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên; việc bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách trong doanh nghiệp; quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn...
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam