Nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp
Tờ trình nhấn mạnh, cần phát huy vai trò của các cơ quan của Quốc hội trong việc xem xét, chuẩn bị dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham gia thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản đối với các đề nghị, kiến nghị về luật, các chính sách pháp luật dự kiến đưa vào dự án thuộc chương trình theo lĩnh vực được phân công phụ trách.
Không đưa vào dự kiến Chương trình các dự án không đủ điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan chủ trì thẩm tra, dành thời gian phối hợp từ đầu với cơ quan soạn thảo để trao đổi, xử lý các vấn đề thuộc nội dung dự án; thu hẹp các vấn đề có ý kiến khác nhau. Cơ quan tham gia thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra phần nội dung liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách và thể hiện rõ chính kiến của mình.
Tại kỳ họp Quốc hội, chỉ bố trí thảo luận tổ đối với một số dự án còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại hội trường và thông báo trước để đại biểu Quốc hội chuẩn bị ý kiến.
Các dự án luật được bố trí trình đầu kỳ họp để có thời gian tập hợp, tổng hợp và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý. Tại phiên họp toàn thể, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội dự kiến tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ hoặc ở địa phương. Quốc hội tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án luật.
Đổi mới cách thức tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật
Báo cáo Thẩm tra Đề án do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày cơ bản tán thành với mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo xây dựng được nêu trong Đề án. Ủy ban pháp luật cho rằng việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội phải được đặt trong tổng thể đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và được thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật. Đồng thời, phải đề cao yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo hướng đề cao sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, giữa cơ quan của Quốc hội với cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
Về một số cải tiến, đổi mới trong hoạt động lập pháp trong thẩm tra dự án luật, Ủy ban pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội (Nghị quyết) là các cơ quan tham gia thẩm tra phải có ý kiến bằng văn bản gửi đến cơ quan chủ trì thẩm tra để có thể huy động được trí tuệ của các cơ quan của Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, về các biện pháp đổi mới hoạt động thẩm tra. Theo đó, cần đề cao vai trò trách nhiệm của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra và tham gia thẩm tra. Việc quy định “ý kiến thẩm tra của cơ quan tham gia thẩm tra phải được thể hiện bằng văn bản” là một yêu cầu thực tế. Quy định này đòi hỏi cơ quan tham gia thẩm tra phát huy trí tuệ tập thể của Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban hoặc toàn thể Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội đối với vấn đề tham gia. Tuy nhiên, để có thể triển khai thực hiện được việc này thì phải quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan trình dự án phải gửi dự án, tài liệu có liên quan đúng thời gian theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khi gửi dự án, tài liệu có liên quan cho cơ quan chủ trì thẩm tra thì phải gửi đồng thời cho Ủy ban pháp luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng như cho cơ quan tham gia thẩm tra khác để các cơ quan này nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia và chuẩn bị ý kiến tham gia thẩm tra bằng văn bản gửi đến cơ quan chủ trì thẩm tra.
Về việc tổ chức các hội nghị thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức các hội nghị này là cần thiết để góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo luật và chỉ nên tổ chức hội nghị này đối với các dự án luật trong giai đoạn tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cần làm rõ tính chất pháp lý của Hội nghị trực tuyến. Khi nào thì tổ chức Hội nghị trực tuyến và khi nào thì tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Về chỉnh lý dự án luật giữa hai kỳ họp, Khoản 4 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết quy định tăng thời gian làm việc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật. Uỷ ban Pháp luật tán thành với quy định này và cho rằng tiến độ và chất lượng chỉnh lý các dự án luật trong thời gian giữa hai kỳ họp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự phối hợp giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan trình dự án, các cơ quan hữu quan để giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉnh lý các dự án luật. Song, thực tế thời gian qua cho thấy, cơ quan trình dự án trong nhiều trường hợp cử người không đúng thẩm quyền tham gia vào quá trình chỉnh lý, tham gia không đầy đủ các cuộc họp chỉnh lý. Do đó, đề nghị Nghị quyết này cần quy định cụ thể cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan có trách nhiệm tham gia đầy đủ và cử người có đúng thẩm quyền tham gia trong quá trình chỉnh lý dự án luật./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam