Cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

(NTO) Ngày 11-5, UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cấp tỉnh. Đến dự có đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương trong tỉnh; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Ninh.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam công bố hằng năm được tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm, xem đây là thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng điều hành nền kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, mức độ thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp và môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của các tỉnh thành trong cả nước. Qua đó nhằm có giải pháp điều chỉnh thích hợp trong chiến lược phát triển của mình. Kết quả PCI của tỉnh ta trong những năm gần đây đã có bước cải thiện đáng kể, xếp ở nhóm các tỉnh có chỉ số PCI khá. Riêng kết quả năm 2011, tuy có tăng về số điểm so với năm 2010 (57/56,61) nhưng xếp hạng bị giảm 5 bậc, đứng thứ 46/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Thời gian qua tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính, thông qua việc thành lập Văn phòng Kinh tế (EDO).

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Miên

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các vị đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Văn Miên

Tại hội thảo các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến, kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó cần phải tập trung cải thiện các chỉ số thành phần trong PCI, tập trung đẩy mạnh cải cách các chỉ số có tác động lớn đến kết quả đánh giá PCI như: chi phí thời gian, tính minh bạch, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, tính năng động. Mục tiêu lớn nhất để nâng chỉ số PCI chính là cải thiện môi trường kinh doanh do vậy cơ hội kinh doanh phải được các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng và minh bạch. Cần chú trọng công tác quảng bá, chia sẻ thông tin, cải thiện cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh tại tỉnh. Thực hiện thu hút đầu tư theo thứ tự ưu tiên và lộ trình cam kết lâu dài. Cải thiện môi trường đầu tư phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao tính cạnh tranh cấp tỉnh cho tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới. Đồng chí nhấn mạnh với cách tiếp cận mới, tư duy mới và tầm nhìn mới, tỉnh ta đang xác định mục tiêu phấn đấu vào tốp vào thứ hạng cao của cả nước về chỉ số PCI trong thời gian tới vì vậy yêu cầu các sở ngành, các địa phương trên cơ sở những ý kiến đóng góp từ hội thảo lần này cần có sự điều chỉnh chương trình thực hiện nhiệm vụ của mình cho phù hợp để chung tay cải thiện môi trường đầu tư thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến xây dựng tỉnh Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh:

Tỉnh Ninh Thuận dành sự quan tâm đặc biệt và luôn theo dõi xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) hàng năm của tỉnh, coi đây là thước đo khách quan về chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền và mức độ cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, nhằm có những chính sách điều chỉnh kịp thời nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Ninh Thuận xác định mục tiêu phấn đấu vào tốp các tỉnh xếp thứ hạng cao của cả nước về chỉ số PCI trong giai đoạn 2012-2015, nhằm góp phần thu hút các nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu trong phát triển chiến lược của mình. Để đạt được mục tiêu này, từ kết quả hội thảo, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, trọng tâm là nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình Văn phòng Kinh tế (EDO) theo hướng trở thành trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh, từng bước xây dựng EDO theo mô hình “Một cửa điện tử hiện đại”, điểm tin cậy nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh sẽ nghiên cứu đề xuất công tác phối hợp giữa tỉnh Ninh Thuận và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tỉnh cải thiện chỉ số PCI, nhằm tạo bước đột phá trong cải thiện chỉ số PCI của tỉnh ngay trong năm 2012, tạo đà cho các năm tiếp theo.
 
Tiến sỹ Nguyễn Phương Bắc, Phó Giám đốc sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Bắc Ninh:

Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm đến chỉ số PCI cũng như phương pháp luận của chỉ số này để xác định các vấn đề cần cải cách, do vậy chỉ số PCI đã tăng liên tục qua các năm, riêng năm 2011 đứng thứ 2 của cả nước. Từ kinh nghiệm của Bắc Ninh, để tăng chỉ PCI, tỉnh Ninh Thuận cần làm tốt công tác truyền thông và nâng cao nhận thức về ý nghĩa của chỉ số PCI trong phát triển KT-XH để đẩy mạnh cải cách, nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới. Cần quy định trách nhiệm của người đứng đầu các ngành chức năng trong việc thực hiện hỗ trợ và giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Tiếp tục thực thi các chính sách đổi mới; rà soát, xây dựng quy hoạch và mục tiêu chiến lược dài hạn; xây dựng tầm nhìn, xác lập giá trị để biến tầm nhìn thành hiện thực, thu hút sự quan tâm và tạo lòng tin của doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách, quy hoạch theo tinh thần đổi mới. Thực hiện tốt các đề án về đào tạo nguồn nhân lực. Rút ngắn và hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh, thủ tục đầu tư… Cần tạo ra bước đột phá mới trong vận hành hệ thống hướng tới mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử. Nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, tư vấn pháp lý.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, chuyên gia dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam:

Qua kết quả đánh giá  PCI năm 2011, các chỉ số thành phần tăng điểm năm 2011 gồm các chỉ số gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý đã phản ánh sự nỗ lực của tỉnh Ninh Thuận trong việc cải thiện chỉ số PCI, nhất là công tác cải cách hành chính thông qua mô hình một cửa liên thông tại Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO). Tuy nhiên, trong 4 chỉ số giảm điểm năm 2011, có 2 chỉ số thành phần chiếm trọng số cao (20%) đó là: chỉ số tính minh bạch và đào tạo lao động làm ảnh hưởng lớn đến điểm số chung của tỉnh. Do vậy, để cải thiện chỉ số PCI năm 2012 và các năm tới, tỉnh Ninh Thuận cần tập trung vào các chỉ số thành phần có tác động lớn nhất tới sự tăng trưởng, đầu tư và mức lợi nhuận của khu vực tư nhân và chiếm trọng số cao như: tính minh bạch và trách nhiệm (chiếm 20%); đào tạo lao động (chiếm 20%); chi phí thời gian và việc thực hiện các quy định của Nhà nước (chiếm 15%); chi phí gia nhập thị trường (chiếm 10%); tính năng động của lãnh đạo tỉnh (chiếm 10%). Chú trọng các công tác quảng bá, chia sẻ thông tin, cải thiện cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh tại tỉnh.
Ông Vũ Minh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Ninh Thuận:

Để cải thiện chỉ số PCI cấp tỉnh trong thời gian tới,  Sở Kế hoạch-Đầu tư Ninh Thuận sẽ tập trung cải thiện các chỉ số thành phần chiếm tỷ trọng cao, có tác động lớn đến kết quả đánh giá PCI. Trong đó, tập trung cải thiện mạnh mẽ các chỉ số chi phí gia nhập thị trường và chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước. Để thực hiện được mục tiêu trên, Sở Kế hoạch- Đầu tư sẽ tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến cho các doanh nghiệp về các nỗ lực của tỉnh trong thực hiện cải cách hành chính. Tiếp tục làm tốt hơn nữa cơ chế một cửa liên thông trong thành lập doanh nghiệp, đăng ký thuế, khắc dấu… Tiến tới giải quyết ngay trong ngày làm việc đối với hồ sơ đăng ký điều chỉnh nội dung thành lập doanh nghiệp. Thiết lập các kênh nhận thông tin và cơ chế nắm bắt, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn tất các thủ tục để tham gia nhập thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trên tất cả các lĩnh vực ở địa phương và các sở ngành liên quan, tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết các thủ tục nhanh nhất cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa; đẩy mạnh ứng dụng tin học trong thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng mô hình một cửa điện tử hiện đại tại EDO.