Quản lý giá thuốc chưa đột phá - Người bệnh vẫn bị… móc túi

Có hiệu lực từ 1-6 nhưng Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT (Thông tư 50) về quản lý giá thuốc, ngoài những yêu cầu về sự minh bạch đầu vào, đầu ra, vẫn chưa giải quyết dứt điểm những bất cập tồn tại trong nhiều năm.

Thuốc là một mặt hàng đặc biệt mà người mua không hề trả giá. Ảnh: Mai Hải

Vẫn “hở” đủ kiểu… làm giá

Theo Thông tư 50, việc quản lý giá thuốc thành phẩm, bao gồm: kê khai, kê khai lại giá thuốc; niêm yết giá thuốc; quản lý giá thuốc do ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế chi trả và nguồn thu viện phí. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép hoạt động sản xuất, nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu, đăng ký thuốc hoặc được ủy quyền đăng ký thuốc, đặt gia công, bán buôn, bán lẻ thuốc (gọi chung là cơ sở kinh doanh thuốc); các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.

Nguyên tắc quản lý nhà nước về giá thuốc, các cơ sở kinh doanh thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc theo quy định tại Luật Dược, Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 9-8-2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược... Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay ở khâu kê khai giá thuốc, cơ sở kinh doanh thuốc đã lách rất tinh vi.

Một giám đốc công ty dược thổ lộ: “Thường mỗi lần kê khai giá phải đón đầu từ 3-6 tháng. Nghĩa là đáng ra một hộp thuốc giá tại thời điểm khai báo 10.000 đồng thì phải khai 20.000 - 30.000 đồng để… bù trượt giá”. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp dược cho rằng mỗi lần xin kê khai là mỗi lần khó nên cứ khai cao lên, nếu cơ quan quản lý có “thổi còi” thì lại hạ xuống một tí nhưng vẫn còn “hời” chán.

Cũng giống như Thông tư 11 ban hành năm 2007, Thông tư 50 quy định mỗi lần xem xét kê khai, kê khai lại giá thuốc phải do tổ công tác liên ngành gồm: đại diện cơ quan quản lý y tế, cơ quan tài chính và cơ quan công thương tiến hành xem xét. Đồng thời, cơ sở xem xét là chi phí nhập khẩu, giá thành toàn bộ, chi phí lưu thông thuốc, mặt bằng giá thuốc trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới, biến động của các yếu tố chi phí đầu vào như nguyên liệu, nhiên liệu, tỷ giá và một số chi phí khác.

Nhưng nhiều lãnh đạo công ty dược khẳng định với hàng trăm chi phí đầu vào với đủ loại phí, giá thì liệu tổ công tác liên ngành có đối chiếu hết! Điều đáng nói, Thông tư 50 vẫn chưa thể “nắm” được việc kê khai giá thuốc nhập khẩu trong khi thuốc nhập khẩu chiếm hơn 50% thị phần trong nước.

Thông tư 50 quy định khi nộp hồ sơ đăng ký mới thuốc nước ngoài, cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài (hoặc cơ sở đăng ký thuốc trong trường hợp được ủy quyền) thực hiện việc kê khai giá CIF dự kiến nhập khẩu đến cảng Việt Nam (giá CIF là giá đã bao gồm giá trị thuốc tính theo giá bán của nước xuất khẩu, chi phí bảo hiểm, cước phí vận chuyển từ nước xuất khẩu đến cảng Việt Nam và không bao gồm thuế nhập khẩu).

Một doanh nghiệp nhập khẩu thuốc thừa nhận, giá CIF kê khai với cơ quan quản lý thường là đã bị “phù phép”. “Bởi vì trước khi một loại thuốc về tới Việt Nam, nó đã được buôn bán lòng vòng từ nước ngoài đến mấy lượt rồi”. Trong khi, tổ công tác liên ngành khó biết được giá gốc của thuốc là bao nhiêu để “không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam” mà Luật Dược cũng như Thông tư 50 nêu ra.

Trong khi, Bộ Y tế có yêu cầu thương vụ Việt Nam ở nước ngoài khảo sát giá thuốc ở nước ngoài để đối chiếu nhưng nhiều chuyên gia lo ngại rất khó thực hiện vì vấn đề này đã quy định từ khi có Luật Dược và Nghị định hướng dẫn thi hành (năm 2006) nhưng đến nay chưa làm được.

Không diệt được “liên minh ma quỷ”

Mua bán lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian, độc quyền phân phối là những yếu tố khiến giá thuốc luôn cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, Thông tư 50 chưa đưa ra được liệu pháp chấn chỉnh tình trạng này. Chẳng hạn mới đây, một loại thuốc nhập về Việt Nam thông qua một công ty cổ phần dược liệu Trung ương, sau đó giao lại cho một công ty dược nước ngoài phân phối được kê khai giá nhập khẩu là 1,7 triệu đồng/hộp. Nhưng khi bán ra cho người bệnh, giá thuốc lên tới 2 triệu đồng/hộp.

Như vậy, chỉ đơn giản qua 2 khâu trung gian, giá thuốc trên đã tăng lên đáng kể. Đó là chưa kể có những loại thuốc được buôn bán lòng vòng tới gần cả chục lần trung gian và cứ mỗi lần như thế, cơ sở kinh doanh thuốc lại kê khai tăng lên một chút khiến giá thuốc đến tay người bệnh tăng gấp mấy lần. Thậm chí có những liên minh mà chính một công ty dược dựng lên để tạo ra các tầng nấc trung gian.

Chẳng hạn công ty dược A nhập khẩu một lô thuốc về và phân phối lại cho công ty B (sân sau), rồi công ty B phân phối cho công ty sân sau nữa… Cứ vòng vèo như vậy, nhưng thực chất lô thuốc vẫn nằm trong kho công ty A, còn hóa đơn chứng từ đã trao qua đổi lại mấy lần…

Bằng chứng là khi kiểm tra ngẫu nhiên một số mặt hàng thuốc nhập khẩu mới đây, Cục Quản lý dược nhận thấy giá nhập khẩu thực tế thường thấp hơn giá kê khai, cá biệt có loại giá nhập khẩu chỉ bằng 50% giá kê khai. Nhưng khi so sánh giá nhập khẩu một số mặt hàng với giá bán tại nhà thuốc bệnh viện có loại chênh lệch tới 3 lần (300%).

Lâu nay, người dân than trời vì giá thuốc bệnh viện quá cao nhưng các cơ quan chức năng vẫn “tỉnh bơ”. Và đến nay, Thông tư 50 vẫn chưa siết được tình trạng này, đó là vì vẫn cho phép mỗi cơ sở y tế tự đấu thầu thuốc. Do đó, cùng loại thuốc, cùng hãng sản xuất nhưng mỗi bệnh viện trúng thầu mỗi giá. Bộ Y tế từng xác nhận một số loại thuốc bệnh viện cao hơn bán lẻ bên ngoài khoảng 13% - 15%.

Hiện các loại thuốc vào bệnh viện phần lớn qua đấu thầu. Kết quả đấu thầu thuốc vào 20 bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế năm 2011 cho thấy có gần 13.000 loại thuốc đã được trúng thầu. Trong đó thuốc nội tập trung vào các loại thông thường như giảm đau, hạ nhiệt, kháng sinh, kháng viêm. Còn những loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị với giá trị lớn đều có xuất xứ từ nước ngoài.

Điều đáng nói, có cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất, hàm lượng và nhà sản xuất nhưng kết quả đấu thầu vào mỗi bệnh viện lại có mỗi giá khác nhau. “Có những loại thuốc dùng phổ biến như Paracetamol đã có hàng trăm loại khác nhau và bệnh viện không biết đâu… mà lần. Điều đó dẫn đến tình trạng ở mỗi bệnh viện, bệnh nhân lại chịu mỗi giá thuốc khác nhau tuy loại thuốc, chất lượng thuốc không có gì khác”, một giám đốc bệnh viện cho biết.

Cùng một loại thuốc nhưng có hàng chục nơi sản xuất khác nhau và giá cả cũng khác nhau một trời một vực. Chẳng hạn loại thuốc trị tăng huyết áp sản xuất trong nước chỉ có giá 500 đồng nhưng có xuất xứ từ Pháp lại có giá trên 9.000 - 10.000 đồng/viên.

Việc chênh lệch về giá trúng thầu thuốc vào các bệnh viện công lập đã làm tiêu tốn thêm Quỹ Bảo hiểm y tế một cách vô lý. Nghĩa là cùng một loại thuốc nhưng Bảo hiểm y tế thanh toán cho mỗi bệnh viện mỗi giá khác nhau.

Năm 2010, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh phối hợp với sở y tế một số địa phương thí điểm triển khai đấu thầu, cung ứng thuốc, thanh toán chi phí thuốc tập trung và trực tiếp cho đơn vị cung ứng để hạn chế bất cập trên. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã bác bỏ thí điểm đấu thầu tập trung của Bảo hiểm xã hội. 

Mặc dù dự thảo Thông tư 50 có đưa ra về việc quy định thặng số bán buôn toàn chặng đối với thuốc cung ứng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Tức là tỷ lệ phần trăm được lãi phải tuân thủ theo quy định của nhà nước trong suốt quá trình cung ứng thuốc. Nhiều ý kiến cho rằng quy định sẽ hạn chế tình trạng “loạn” giá như hiện nay và không còn cơ hội cho các doanh nghiệp dược tự ý đẩy giá để có mức lãi bất hợp lý. Nhưng biện pháp này chưa được đề cập tại Thông tư 50 có hiệu lực từ 1-6 tới.
Nguồn Báo SGGP Online