Hiệu quả áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp trên cây lúa

(NTO) Được sự tài trợ của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), thông qua Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đồng bào Raglai ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam và đồng bào Chăm ở xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc đã thực hiện mô hình trình diễn, sản xuất lúa áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (RICM).

Với phương pháp quản lý tổng hợp mang tính hệ thống, gắn kết giữa quản lý dịch hại và quản lý dinh dưỡng, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (RICM), nên nông dân xã Phước Hà
thu hoạch lúa đông-xuân đạt năng suất cao.

Nhờ tham gia mô hình RICM, tại thời điểm này, nhiều hộ đồng bào Raglai ở xã vùng cao Phước Hà rất phấn khởi vì bội thu lúa đông-xuân sớm. Với chi phí đầu vào thấp, năng suất cao, cộng với lúa được giá (5.700 đồng/kg lúa khô), đang mang lại niềm vui cho nông dân nơi đây. Ông Tà Thía Cam, ở thôn Rồ Ôn, phấn khởi: “Gia đình mình làm 4 sào lúa theo mô hình này. Nhờ được sự hỗ trợ về giống, vật tư,..., kỹ thuật chăm sóc của cán bộ nông nghiệp nên mình biết bón phân, phun thuốc thế nào cho đúng, cho phù hợp. Ruộng của gia đình phát triển rất tốt, thu hoạch trung bình 6,5 tạ/sào, trước đây chỉ 4 tạ, cao thì được 5 tạ/sào, vụ này lãi gần chục triệu đồng”.

Ông Tà Yên Phai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hà cho biết, so với trồng lúa theo tập quán cũ thì mô hình RICM mang lại hiệu quả khá cao. Bà con mong Nhà nước tiếp tục đầu tư, nhân rộng trong toàn xã. Khi biết làm lúa, thấy được năng suất cao, lãi nhiều, bà con sẽ chú tâm làm ăn hơn, sẽ không còn tình trạng đồng bào bỏ đất lên núi đốt phá rừng làm rẫy, hầm than như trước nữa.

Tương tự, nhiều hộ đồng bào Chăm ở xã Bắc Sơn tham gia mô hình cũng đang vào vụ thu hoạch với niềm vui được mùa. Năng suất lúa tại 5 ha tham gia mô hình đều cao hơn hẳn so với các đám ruộng lân cận canh tác theo phương pháp cũ.

Theo đánh giá của Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Thuận Nam, khi tham gia mô hình, đồng bào được tập huấn về các điều kiện phát sinh, phát triển của một số dịch hại chủ yếu như: rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, khô vằn...., hướng dẫn ngay tại chân ruộng cách nhận biết các triệu chứng gây hại và biện pháp quản lý các đối tượng gây hại và các thiên địch... đồng thời hướng dẫn quy trình bón phân, phun thuốc, cân đối lượng nước tưới theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, cũng như quá trình thu hoạch lúa để giảm thất thu.... Việc áp dụng mô hình này sẽ giúp cho người trồng lúa giảm rất nhiều chi phí đầu tư như: Giảm được lượng giống gieo sạ so với tập quán sản xuất cũ từ 50 kg đến 100 kg/ha, tiết kiệm được lượng phân đạm từ 20 đến 40 kg/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm số lần theo nước....

Ông Phan Quang Thựu, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh cho biết: RICM là phương pháp mang tính hệ thống, gắn kết giữa quản lý dịch hại và quản lý dinh dưỡng thông qua kỹ năng của người sản xuất. Đây là phương pháp mới đối với đồng bào trồng lúa nước, do đó khi triển khai thực hiện, đồng bào luôn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chi tiết về đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây lúa và những yếu tố ảnh hưởng qua các giai đoạn sinh trưởng và phát triển để mang lại hiệu quả cao nhất”.

Việc thực hiện mô hình RICM không những giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương biết được cách trồng, chăm sóc lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn là điều kiện để giúp đồng bào nơi đây thay đổi tập quán canh tác cũ, biết áp dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng, từ đó tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.