HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ QUỐC GIA ATVSLĐ - PCCN LẦN THỨ 14 - NĂM 2012

Xây dựng văn hóa trong phòng ngừa tai nạn lao động, phòng chống cháy nổ

Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và phòng chống cháy nổ (PCCN) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã làm tốt công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn và tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật, do vậy, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ-PCCN của các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động đã được nâng lên.

(NTO) Qua đánh giá của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), người sử dụng lao động đã từng bước chấp hành các quy định của pháp luật lao động, huấn luyện định kỳ về ATVSLĐ cho người lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khoẻ định kỳ hàng năm.  Người lao động cơ bản đã nắm được các yếu tố độc hại nguy hiểm trong sản xuất để chủ động phòng, chống bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. Đặc biệt, công tác ATVSLĐ-PCCN được quan tâm hơn ở các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. 

Cháy nổ luôn là hiểm họa gây thiệt hại về kinh tế-xã hội, tính mạng con người.
Trong ảnh: Hiện trường vụ cháy xưởng mộc Thành Lợi ở phường Thanh Sơn, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
 

Hàng năm, Sở LĐ-TB & XH đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về an toàn lao động cho người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác an toàn lao động trong các doanh nghiệp, nhằm trang bị những kiến thức về ATVSLĐ-PCCN và cách thức xác định các nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến sức khỏe để tự đưa ra những biện pháp phòng tránh phù hợp. Trong năm 2011, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra 20 doanh nghiệp có sử dụng thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về công tác ATVSLĐ; ngành Y tế đã kiểm tra khám sức khỏe định kỳ cho 4.025 lao động của 81 doanh nghiệp; ngành Công an đã kiểm tra công tác PCCN ở 640 lượt doanh nghiệp… qua kiểm tra, phần lớn các doanh nghiệp đều chấp hành nghiêm và ngày càng quan tâm đến công tác ATVSLĐ-PCCN, góp phần giảm thiểu sự cố máy móc, thiết bị, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, làm tăng năng suất lao động, giảm chi phí, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, tình hình mất ATVSLĐ-PCCN vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Nguyên nhân do nhận thức của một số doanh nghiệp, nhất là người sử dụng lao động trong việc quản lý, điều hành và thực hiện các quy định về pháp luật an toàn lao động còn hạn chế. Việc đầu tư, chấp hành các quy định pháp luật, các quy trình về ATVSLĐ – PCCN chưa nghiêm ngặt. Chỉ riêng trong năm 2011, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 9 vụ tai nạn lao động, làm chết 5 người và 4 người bị thương; xảy ra 5 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản gần 8 tỷ đồng.

Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 14 năm 2012 được chọn chủ đề là “Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động”. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động đối với công tác ATVSLĐ-PCCN. Đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ, bảo đảm an toàn trong lao động, góp phần phát triển KT-XH bền vững.

Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Chủ đề Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN năm nay hết sức ý nghĩa, nhằm xây dựng văn hóa và ý thức tự giác chấp hành ATVSLĐ-PCCN của người sử dụng lao động và người lao động, đưa công tác này trở thành việc làm thường xuyên, liên tục tại các doanh nghiệp. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể và các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, huấn luyện và hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN tới người sử dụng lao động và người lao động, trong đó chú trọng vào khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và những lĩnh vực có nguy cơ, rủi ro cao, không đảm bảo ATVSLĐ-PCCN. Tăng cường thanh tra, kiểm tra lao động, kiên quyết xử lý những vi phạm về VSATLĐ-PCCN.