Nét chữ - Nết người

Từ thưở nhỏ, tôi đã là người rất thích những nét chữ đẹp, không những của các thầy cô mà còn của bạn bè. Có thể nói rằng môn nào tôi học giỏi nhất chính là môn của thầy cô có nét chữ đẹp nhất. Đứa bạn nào tôi chơi thân nhất chính là đứa có chữ viết đẹp nhất. Tầm ảnh hưởng đó thật đúng với câu châm ngôn bất hủ “ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” của người xưa.

(NTO) Cây viết tôi sử dụng ngày đó là ngòi viết lá tre, thân dài bằng gỗ hoặc nhựa. Khi viết, chấm một tý mực màu xanh hoặc tím rồi cẩn thận để trên trang giấy một cách nhẹ nhàng cho mực khỏi vương vãi. Tư thế ngồi thẳng ngực, tay trái tỳ trên bàn, song song với quyển vở hoặc để ngang trước ngực. Ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa tay phải cầm viết tạo thành góc 450 và cách ngòi viết vừa đủ, không cao cũng không thấp. Nếu thấp thì mực sẽ dính tay, còn nếu cao quá thì nét chữ chông chênh không đẹp. Điều quan trọng nhất là nét viết phải thẳng, đều hàng. Nét lên rất nhẹ, nét xuống kéo đậm hơn, cái bụng của chữ b, chữ h, chữ y dài và chữ g phải kéo ôm cho thật tròn và đều đặn…

Những lời cô giáo dạy tôi ngày đó vẫn còn nhớ như in trong đầu. Giờ đây, thỉnh thoảng tôi vẫn ngồi tập viết một cách vô thức trong những lần suy tư, trong những khi nỗi buồn rơi bất chợt. Những dòng chữ viết ra có thể là một bài thơ phổ nhạc hoặc là vài câu ca dao phổ biến. Tuy nhiên, nét viết khá đơn điệu và gượng gạo, nếu không nói là quá xấu so với trước.

Nguyên nhân chính là: Hiện nay, dường như ai ai cũng gửi thông điệp và giao tiếp với nhau thông qua mạng truyền tin, quá tiện lợi và nhanh gọn. Nếu có việc gì gấp lắm thì lấy cây bút bi thảo nhanh trên trang giấy A4. Chữ viết không đều, nguệch ngoạc và chẳng bao giờ thẳng hàng. Hoặc trong quá trình làm việc, gửi cho nhau một đề nghị nào đó, hoặc thông tin nào đó bằng cách viết tay thì xem như lạc hậu, không đi kịp thời đại.

Ta không phủ nhận những chức năng tiện ích của internet giúp con người bất kể mọi lúc, mọi nơi. Nhưng…

Cuộc sống công nghệ thông tin đánh mất dần những trang giấy lưu bút về tuổi học trò chứa đầy kỷ niệm cuối mùa thi. Những cánh thư viết tay tràn nhung nhớ gửi cho nhau ở nơi thật xa qua đường bưu điện… Từ trong nét chữ, nó thể hiện và chuyển tải bao niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau, giận dỗi, trách mắng… trong đó. Nét chữ khi ta đang ngất ngây trong hy vọng chắc chắn sẽ khác nhau lúc ta đang hờn giận ai đó. Nét chữ vững chãi hơn khi ta củng cố lại niềm tin, nét chữ mang vẻ run rẩy khi có ai muốn bày tỏ một điều gì khó nói. Nét chữ ướt nhòe nước mắt trong sự thổn thức và mong chờ… Tất nhiên, không một công nghệ hiện đại nào có thể thay thế được.

Tôi nghĩ rằng: người có nét chữ đều đặn, viết ngay hàng, thẳng lối, rõ ràng, không mất nét chắc chắn là một con người tốt. Cái tâm tốt thì nét chữ mới thẳng, mới đủ đầy. Điều đó không có nghĩa là người nào viết chữ xấu thì người đó không tốt. Nhưng tôi cứ hy vọng sẽ còn có nhiều người như tôi, như Thầy Trần Đức Lực, và nhiều người nữa… mãi mãi lưu lại trên trang giấy trắng học trò bằng những nét chữ chân phương.

… Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu

Giấy đỏ buồn không thắm.

Mực đọng trong nghiên sầu.

… Những người muôn năm cũ.

Hồn ở đâu bây giờ?

Câu hỏi ấy của nhà thơ Vũ Đình Liên luôn làm tôi khắc khoải khi nghĩ về nền giáo dục hiện nay. Mong rằng chúng ta sẽ tổ chức cuộc thi “Luyện viết chữ đẹp” nhiều hơn nữa để giữ nét truyền thống của Cha ông. Cái quan trọng nhất là giáo dục cho lứa tuổi ngay từ lớp 1, nhận thức được nét chữ chính là nết người để các em luyện chữ viết cho đẹp cũng là tự rèn luyện nhân cách mình ngay từ thưở ấu thơ.