CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU VÀ GÓI KỶ VẬT TRƯỜNG SA

Gửi cho Tuấn ...

Chuyến công tác đến Trường Sa đã kéo dài tới ngày thứ 21, hôm ấy, ngày 4-1-2012, biển vẫn cao sóng, gió vẫn quật từng cơn. Đây là “quần đảo bão tố” mà. Nhưng nắng hôm nay đẹp hơn mọi ngày - cánh phóng viên trong đoàn bảo với nhau như thế.

(NTO) Buổi sáng của ngày đặc biệt đó, trên con tàu HQ936 của chúng tôi, đã diễn ra một lễ tưởng niệm hết sức long trọng. Cách đây 24 năm, ngày 14-3-1988, 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã kết thành “vòng tròn bất tử” và anh dũng hy sinh khi bảo vệ các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của quần đảo Trường Sa. Mấy chục năm rồi, người ta mới chỉ tìm được 4 bộ hài cốt, còn lại vẫn nằm dưới biển sâu, ở nơi mà các anh đã dành cả sinh mạng của mình để giữ lấy từng tấc đảo, từng tấc biển của quê hương. Anh Võ Đình Tuấn là một trong 64 liệt sỹ ấy.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên tàu HQ936 và...

Gói kỷ vật sau khi được sự cho phép, tôi gỡ ra xem, trong đó có những bức thư, những bài thơ tình yêu trên giấy đã ố vàng mà chị Trang đã viết hơn mấy mươi năm về trước. Đặc biệt có một bức hình chụp chung của chị và anh Tuấn. Anh Quân từng nói với tôi rằng: “Tuấn chưa bao giờ thấy bức ảnh này, Trang đã không kịp đưa Tuấn vào đêm chia tay… em nhớ gói thật kỹ vào một tảng san hô rồi thả về biển, Trang dặn đừng đốt, hãy để dưới đáy biển, Tuấn đọc được tấm lòng của Trang và thấy được ảnh hai đứa…”

Phóng viên Báo Ninh Thuận gửi kỷ vật về với biển.

Tôi nói số phận đã đưa chúng tôi lên một con tàu bởi có phải ngẫu nhiên hay sắp đặt mà tôi, một người không hề quen biết với chị Trang, lại là người chuyển tất cả tình yêu của chị đến liệt sỹ Võ Đình Tuấn giữa biển khơi mênh mông này. Ngoài sự kiện Gạc Ma diễn ra vào năm 1988, năm sinh của tôi thì ngày chị viết lại lá thư cho Tuấn cũng chính là ngày sinh của tôi (28-8).

Sau khi được đặt lên bàn thờ trong lễ tưởng niệm, tới nghi thức thả vòng hoa, tôi cầm chặt gói kỷ vật giờ đã được bọc chặt trong một viên san hô và một vỏ ốc. Kể từ lúc thắp hương cho các vong hồn liệt sỹ, tôi đã không thể cầm được dòng nước mắt. Tôi, thế hệ được hưởng sự hòa bình mà các anh đã anh dũng giữ lấy, sẽ không thể nào quên được. Và những giọt nước mắt của nhiều trong số cán bộ, chiến sỹ hải quân và cả cánh báo chí trên tàu HQ896 đã rơi. Lạ thay, trời đang gió, sóng trồi từng cơn làm con tàu lắc mạnh bỗng ngưng bặt. Tàu yên ả. Tôi quỳ bên mạn tàu, nâng gói kỷ vật lên ngang mày, khấn nhỏ với anh Tuấn những gì tôi được nhờ và mong ở nơi đó, anh và đồng đội sẽ hiểu được tấm lòng của chúng tôi. Tôi khóc, tiếng nấc như vỡ òa. Trong phút chốc, tôi ngỡ mình là chị Trang! Gói kỷ vật được đưa vào lòng biển. Biển thăm thẳm ôm trọn, mất hút…Rồi tôi lặng đi... Nhiều người đã hỏi tôi, tôi không sợ hương hồn anh Tuấn sẽ “theo” tôi về đất liền hay sao? Tôi bảo có gì đâu mà sợ, nếu vậy tôi sẽ tìm chị Trang và “trả” anh cho chị! Buổi xế chiều hôm ấy, trời đang ráo tạnh bỗng nổi một cơn mưa rào.

Tình yêu của chị Trang và liệt sỹ Tuấn đã cho tôi, một người trẻ ý nghĩa khác của tình yêu. Đã bao lần tôi tự hỏi, chuyện tình không một nụ hôn, tình yêu giữa nam và nữ có thể vượt qua những giới hạn khó cưỡng của con người. Nếu ngày ấy Trang “ừ” thì sao nhỉ? Thì Tuấn vẫn ra đi, vẫn đến với Trường Sa. Nên tình yêu ấy đã hóa thành tình yêu bất tử với biển đảo, với Tổ quốc. Và chị Trang, dù đã có một gia đình hạnh phúc, toàn vẹn thiên chức của một người vợ, một người mẹ, vẫn sâu kín hướng về mối tình ấy thì sự vĩnh cửu của tình yêu đâu thể nào chỉ có trong cổ tích…




  

 
  • Nguyễn Đình Quân
    Cảm ơn Hồng Nhạn. Quả là tôi đã không nhầm khi "chọn mặt gửi vàng"!
    dinhquantp@gmail.com