Quê hương là chùm khế ngọt

Viết tặng những người con Ninh Thuận.

Năm mười ba tuổi.

Tôi xa quê lần đầu tiên. Lứa tuổi mới lớn với nhiều ước mơ, hoài bão đẹp. Ban đầu - tôi háo hức trước những chân trời mới, con người mới, cuộc sống mới... Ngày qua ngày, một nỗi nhớ không tên nó cứ len lỏi vào từng giấc mơ, từng buổi trưa hè khi chợt nghe tiếng gà gáy, từng buổi chiều về khi tôi đứng giữa dòng người vội qua.

Trường Duy Tân ( Nguyễn Trãi ngày nay)

Đầu tiên, nghe giọng mình không phải là người địa phương, mấy đứa bạn mới quen hỏi:

- Mày quê ở đâu?

- Quê tao ở Phan Rang.

- Là ở đâu? Sao tao không biết vậy cà?

- Là ở giữa Nha Trang và Phan Thiết đó, tao nghe Ba tao nói vậy. Tôi thật thà nói.

- Tao chỉ biết Nha Trang thôi, năm ngoái Ba, Má có dẫn tao về quê Nội ở đó, tắm biển rất thích.

- Quê tao cũng có biển nữa chứ bộ! Còn đẹp hơn ở Nha Trang là đằng khác. Tôi sôi nổi trả lời.

- Làm gì đẹp hơn! Mày cứ hỏi mấy đứa xem, đố có đứa nào biết Phan Rang của mày nằm ở chỗ nào trên bản đồ đó. Nó trề môi và nhún vai bỏ đi.

Tôi nhìn nó bỗng thấy ghét lạ lùng. Nỗi tự ái dồn lên mắt, tôi thề là sẽ không thèm chơi với nó nữa.

********

Hai mươi năm sau.

Tôi trở thành một viên chức trong một cơ quan thuộc ngành Giáo dục. Một lần đi dự hội thảo Câu lạc bộ các tỉnh Miền Đông. Một vài đồng nghiệp xã giao hỏi:

Em người Ninh Thuận gốc Phan Rang à?

- Dạ.

- Sao anh chẳng thấy em giống người Phan Rang chút nào cả! Nghe nói con gái ở đó da đen, tóc thì xơ xác còn mắt thì “bét “ mà! Còn em sao ngược lại? Anh chỉ nghe đồn vậy thôi, chứ chưa hề ghé đó lần nào.

- Ai nói với anh như vậy? Làm gì mà tệ thế. Tôi chỉ biết cười trừ.

Một đồng nghiệp nữ lại hỏi thêm. Ninh Thuận nó nằm ở khúc nào vậy ta?

Phía Bắc của Phan Thiết đó bạn.

Mình chưa tới đó bao giờ, chỉ 1 lần duy nhất là cơ quan cho đi Mũi Né chơi thôi. Chắc là nó nhỏ xíu nên ít người biết đến.

Phút chạnh lòng dâng lên trong tôi nhưng chợt tan biến vì nghe thêm câu nói từ phía sau.

Phan Rang là chỗ có trồng nho thật nhiều đó, nơi đó có biệt danh là nắng như phang và gió như rang đó. Tội vội vàng quay lại với ánh nhìn biết ơn.

Anh ra Phan Rang lần nào chưa? Tôi hồ hởi hỏi.

Hồi nhỏ anh sinh ra ở đó, nhưng khi lớn theo gia đình vào Đồng Nai sinh sống cho đến bây giờ. Lâu lắm rồi anh cũng chưa ra đó. Chỗ đó nghèo quá, đất đai khô cằn sỏi đá, thiên nhiên không ưu đãi như ở trong miền đông này đâu. Thực ra nhà anh ngày xưa ở gần chỗ bà con Chăm sinh sống chứ không ở tại Phan Rang.

Vậy à? Một chút an ủi trong lòng khi còn có người nhớ đến quê tôi cho dù với một góc nhìn khác về miền đất nắng này.

****************

Mười năm nữa trôi qua.

Phan Rang giờ đổi mới lắm rồi, nhiều cơ sở hạ tầng mọc lên, đường sá nhà cửa khang trang, sầm uất... Đến nhiều nơi khác, ta có thể vỗ ngực tự hào.

Hôm nay, nếu ai hỏi Phan Rang ở đâu? Có đặc sản nổi tiếng gì? Tôi có thể mạnh dạn trả lời:

Quê tôi có đặc sản nổi tiếng là nhohạt nhân. Ai có nhu cầu thì tôi tặng cho mỗi thứ vài ký.

Không ít người mĩm cười với câu đùa mang tính thể hiện lòng tự hào quê hương của mình. Cũng nhờ đó, nhiều người biết đến Ninh Thuận trong một tầm nhìn mới, vị thế mới trên dải đất Việt Nam anh hùng này.

Bài hát “ Phan Rang phố thị của tôi ” đã hòa chung niềm vui khi chia sẻ cùng nhóm bạn khác. Mọi người đã lưu lại trong ký ức mình bởi những giai điệu mượt mà, lắng đọng trong đó là tình yêu quê hương, những người con Ninh Thuận dù ở bất kỳ nơi đâu vẫn hướng về mãnh đất mình đã từng chôn nhau cắt rốn này, xây dựng và hoàn thiện nó ngày càng đẹp hơn.

Tôi cảm thấy ấm lòng trong buổi chiều trước Tết khi nghe đứa cháu sống tại Tp. Hồ Chí Minh nói với giọng chững chạc:

Dì Hai ơi! Mẹ con hứa là nếu con học giỏi năm này, Hè tới con sẽ được về quê chơi. Con được bà Ngoại dẫn đi tắm biển và ăn bánh căn nữa.

Ừ. Con cố học giỏi đi thì Hè và Tết chắc chắn được về quê.

Mẹ ơi, năm nay nhà trường cho nghỉ sớm. Mẹ đặt vé xe cho con về quê trong ngày hôm nay nha Mẹ.

Hôm nay là 22 Tết rồi, ngày mấy công ty chị mới nghỉ? Khi nào chị về quê chơi với em?

Hai tiếng “ về quê “ sao bỗng nghe thiêng liêng quá! Tôi dường như nghe tiếng chân bước rất gần của những người con từ phương xa trở về trong một chiều cuối năm.