Sắp có vaccin ngừa sốt rét

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (2008) mỗi năm thế giới có 243 triệu người mắc, 800.000 người chết vì sốt rét (SR). Muỗi phát triển nhanh, ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) kháng thuốc cao, cùng với việc giao lưu mở rộng, di dân nhiều... làm cho dịch bệnh có chiều hướng tăng cao hơn các thập kỷ trước. Nhiều nhà khoa học cố gắng nghiên cứu cách diệt muỗi và vaccin ngừa sốt rét.

Diệt muỗi bằng mọi cách

15 năm trước, TS. Bart Knols (Hà Lan) nhận thấy, muỗi chỉ thích “mùi tất chân”. Sau này (2007) TS. Predros Okumu (Kenia) pha trộn 8 loại hóa chất để có “mùi tất chân” và dùng bẫy muỗi khá hiệu quả: thu hút muỗi gấp 4 lần, muỗi vào bẫy sẽ chết tới 95%. Một cái bẫy như thế giá từ 20-27 USD Mỹ, có thể bảo vệ cho 1.000 cư dân khỏi bị muỗi đốt.

Yosef Schlein, Gunter Muller (ĐH Hebrew - Jerusalem) phun dung dịch đường và thuốc trừ sâu Spinosad lên cây keo, tăng sự thu hút muỗi gấp 30 lần, nhờ đó mà tiêu diệt sạch muỗi trên một ốc đảo ở Nam Irael (2006). Cây keo được chọn lựa vì phát triển mạnh ở châu Phi, nơi có người mắc và chết vì SR cao nhất thế giới.

Năm 1917 đã biết cá Nile tilapia thích ăn ấu trùng muỗi. Gần đây (2007), các nhà nghiên cứu Kenia thả loại cá này vào ao hồ để chúng ăn ấu trùng muỗi.

Các nhà nghiên cứu Mỹ (2007) tạo ra một chủng muỗi biến đổi gen không bị nhiễm KSTSR. Trong một thí nghiệm, cho một lượng cá thể bằng nhau muỗi thường và muỗi biến đổi gen hút máu chuột đã nhiễm KSTSR thấy, muỗi biến đổi gen không nhiễm còn muỗi thường nhiễm KSTSR. Muỗi biến đổi gen phát triển nhanh hơn, có đời sống dài hơn, đẻ nhiều và nhanh hơn; chỉ sau 9 thế hệ thì chủng muỗi biến đổi gen chiếm tới 70% trong tổng số cá thể muỗi. Như vậy, nếu đem thả chủng muỗi biến đổi gen vào môi trường tự nhiên thì sau một thời gian chúng sẽ lấn át muỗi thường. Tuy nhiên, theo TS. Jason Rasgon (ĐH Johns Hopkins), muốn làm được điều này, trong tương lai gần cũng mất khoảng 10 năm nữa!

Tất cả các cách diệt muỗi nêu trên đều có ưu điểm là làm ở ngoài nhà, không gây độc hại cho người như dùng hóa chất phun hay tẩm màn nhưng không phải là phép màu nhiệm vì rất khó thực thi khi muỗi đang phát triển tràn lan.

 
Các nhà khoa học Viện Walter và Eliza Hall (Australia) đang nghiên cứu phân lập các protein trong ký sinh trùng sốt rét.

Chống lại sự thâm nhập của KSTSR vào hồng cầu 

Viện Pasteurcủa Pháp nhận xét, có người sống lâu dài trong vùng có KSTSR nhưng không hề bị SR vì hệ miễn dịch tự nhiên của họ sản sinh ra một protein như một kháng thể chống lại KSTSR. Vaccin do Viện Pasteur sản xuất mô phỏng theo các phản ứng miễn dịch tự nhiên này, tấn công vào các protein MSP-3 do chính KSTSR tiết ra, do đó ngăn được quá trình KSTSR thâm nhập vào hồng cầu (2005).

Các nhà khoa học Viện Walter và Eliza Hall Australia phát hiện KSTSR sản xuất ra các protein có tính kết dính làm cho tế bào hồng cầu dính vào thành mạch máu, nhờ đó mà KSTSR có thể thâm nhập vào hồng cầu. Từ xét nghiệm gen của KSTSR đã tìm ra 8 loại protein, trong đó có 3 loại cơ bản MSP-3, MSP-1, AMA-1. Theo TS. James Beeson và GS Alan Cowman, điều này sẽ cho phép tạo ra vaccin SR bằng cách dùng một tác nhân chống lại các protein này, ngăn KSTSR thâm nhập vào hồng cầu, một giai đoạn bệnh lý và cũng là một giai đoạn chính trong chu kỳ phát triển KSTSR, từ đó ngừa được cơn sốt và lây lan bệnh (2008).

Dùng chuột, cừu chuyển gen sản xuất vaccin

Các nhà khoa học Mỹ cấy một gen kích thích bệnh SR vào DNA của chuột, khiến tuyến vú chuột sản sinh ra một protein gây bệnh. Từ protein này lại chế ra vaccin phòng SR. Trong thí nghiệm, tiêm vaccin này vào 5 con khỉ, sau đó tiêm vào chúng liều gây SR nặng thì có 4 con không bị SR, sống sót (80%) có nghĩa là vaccin có hiệu lực. 

Đó là một kết quả khá lạc quan. Ông Anthony Stowers chủ trì dự án nghiên cứu này cho biết, một vấn đề quan trọng là phải cải tiến cách sản xuất để có vaccin giá rẻ và có thể trong tương lai cừu chuyển gen sẽ thay thế chuột làm việc này. Cũng theo các nhà khoa học thì 1 con cừu chuyển gen có thể dùng sản xuất đủ vaccin cho 8,4 triệu người/năm. Do đó có thể hy vọng dùng cừu chuyển gen sản xuất ra đủ vaccin với giá thích hợp cho cả châu Phi.

Dùng chất chống ung thư làm yếu KSTSR

GS. Michael Good (ĐH Griffith, Queensland, Australia) nghiên cứu một loại hóa chất bám vào DNA điều trị ung thư nhưng không thành công. Ông đưa hóa chất này làm tê liệt KSTSR rồi tiêm KSTSR bị làm yếu này vào động vật. Kết quả là, các KSTSR bị làm yếu này đã tạo ra kháng thể chống lại KSTSR. Trước đó, các nhà nghiên cứu từng tiêm từng ít một KSTSR vào cho người tình nguyện và cũng thấy một lượng ít KSTSR ấy không đủ sức gây bệnh mà lại kích thích hệ miễn dịch sản xuất ra kháng thể. 

Thử nghiệm thành công trên động vật cho thấy hoàn toàn có thể sản xuất ra loại vaccin này. Các nhà nghiên cứu đặt tên vaccin là PlasProtecT hay còn gọi vaccin kiểu Australia sản xuất theo cách cổ điển, hy vọng có chi phí thấp song hiệu quả cao (2011).

Và các thử lâm sàng vaccin SR mới tại châu Phi

Vaccin sản xuất dựa vào công nghệ sinh học sản xuất vaccin viêm gan B, một phần KSTSR và một phần chất tăng cường miễn dịch có tên RTS,S. Theo nhà khoa học Joe Cohen (Anh quốc), loại vaccin này đã và đang thử nghiệm lâm sàng trên 16.000 em nhỏ (6-12 tuần tuổi và 5-17 tháng tuổi) tại một số nước ở châu Phi (Burkina Faso, Gabon, Ghana, Kenya, Malawi, Mozambic). 

Nhà dịch tễ học Kwaku Poku Asante (Ghana) cho hay, sau thử một năm các em đó không mắc SR, vẫn khỏe mạnh. Kết quả thử lâm sàng giai đoạn 2 (2009) rất lạc quan, vaccin có hiệu quả 65% trên trẻ đang bú sữa mẹ và 53% trên trẻ 1 tuổi. Hy vọng khi vào giai đoạn thử cuối, hiệu quả có thể đạt tới 80%. Cũng theo Joe Cohen, dự tính năm 2012-2015 vaccin này sẽ được dùng rộng rãi tại châu Phi.

Mỗi hướng nghiên cứu có ưu thế riêng nhưng tất cả đều có sơ sở lý luận và thực tế, có kỹ thuật thực hiện, quan trọng hơn đã sản xuất ra vaccin thử trên động vật và trên người. Hy vọng trong tương lai không xa sẽ có vaccin SR. Trong cuộc chạy đua này, vaccin giành chiến thắng sẽ là loại ra sớm, có giá thành hợp lý; điều này sẽ có lợi cho người bệnh.

Nguồn www.suckhoedoisong.vn