Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Thơ ca khích lệ sức mạnh tinh thần

Ngày 5-2, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp các nhà thơ quốc tế đang dự Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất.

Một liên hoan thơ giàu ý nghĩa

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng các nhà thơ quốc tế đã báo cáo Chủ tịch nước kết quả Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương. Nhằm giới thiệu tinh hoa thơ Việt Nam đến bạn bè quốc tế, Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã thu hút 81 nhà thơ đến từ 27 quốc gia. Hưởng ứng sự kiện văn hóa lần đầu được tổ chức trên đất nước được biết đến với truyền thống ngàn năm văn hiến, nhiều quốc gia lần đầu tiên cử đại diện đến đặt quan hệ với Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong thời gian 1 tuần lễ, tất cả các hoạt động tại liên hoan: hội thảo, đọc thơ, trình diễn thơ, giao lưu công chúng đều tập trung vào chủ đề: vì một châu Á hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển. Với gần 30 tham luận phát biểu trong liên hoan, các nhà thơ đề cập đến trách nhiệm của thơ văn với cộng đồng, trước những vấn đề dư luận quan tâm. Các đại biểu đánh giá cao công tác tổ chức liên hoan của Việt Nam, kiến nghị những thành công của liên hoan lần thứ nhất cần được kế thừa để tổ chức các lần tiếp theo tại nhiều quốc gia trong khu vực. Các nhà thơ cũng bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, khẳng định qua thơ ca, bạn bè quốc tế hiểu thêm về tâm hồn, nhân cách Việt Nam với tình yêu thơ ca, tư tưởng nhân văn, khát vọng hòa bình, hạnh phúc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các đại biểu
dự Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng chào đón 81 nhà thơ đến từ nhiều đất nước trên châu lục để cùng các nhà thơ Việt Nam tổ chức Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương, một liên hoan thơ giàu ý nghĩa không chỉ với nghệ thuật thơ ca mà cả với cộng đồng khu vực, quốc tế.

Khẳng định việc tổ chức liên hoan thơ là vinh dự và trách nhiệm của Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng, nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu thơ ca. Thơ ca vừa là sự riêng tư của đời sống nội tâm mỗi con người, đồng thời là sức mạnh tinh thần to lớn khích lệ toàn thể dân tộc trước những thử thách khắc nghiệt của lịch sử. Chính vì ý thức sâu sắc điều này, nhân dân Việt Nam luôn yêu mến, mong mỏi được hiểu biết thấu đáo, học tập tinh hoa từ nhiều nền thơ của những đất nước, dân tộc khác. Chủ tịch nước nhấn mạnh, giao lưu văn học luôn được xem là lễ hội có ý nghĩa nhân văn nhất nhằm tôn vinh các giá trị toàn nhân loại. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn tạo điều kiện để các nhà thơ quốc tế trở lại Việt Nam tham dự các hoạt động văn hóa.

Hà Nội: Thi vị và ấm áp

Thi vị và ấm áp là không khí mà ai cũng có thể cảm nhận được khi đến với Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Mặc cho tiết trời khó chiều của Hà Nội, từ sáng sớm, hàng ngàn người yêu thơ trong và ngoài nước đã cùng về đây để cùng chia sẻ ngày hội riêng của nàng Thơ.

Trong không khí rộn ràng của ngày hội, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, xúc động nói: “Qua nhiều lần tổ chức, Ngày thơ Việt Nam ngày càng được nâng cao, mở rộng và trở thành ngày hội văn hóa của người việt trong, ngoài nước. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 càng thành công hơn khi Việt Nam vừa tổ chức thành công Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 1. Chăm lo cho sự phát triển thơ ca cũng chính là chăm lo cho đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, mỗi xã hội và đất nước. Nó là chất keo tạo nên sự gắn kết con người với con người, dân tộc với dân tộc, quốc gia với quốc gia”.

Dọc hai bên đường vào khu Thái học được chia thành nhiều khu vực của các câu lạc bộ thơ trong nước. Đó là các không gian thơ nhỏ của Câu lạc bộ thơ lục bát, Câu lạc bộ thơ ca cổ truyền, Câu lạc bộ thơ công nhân Việt Nam… Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm nay nhộn nhịp hơn so với vẻ yên tĩnh, thâm nghiêm hàng ngày. Chào mừng ngày thơ, ban tổ chức mời nhiều câu lạc bộ thơ Đường, thơ ngành điện, thơ công nhân, thơ yêu thiên nhiên… tham dự, dựng lán trại, treo thơ trong Văn Miếu. Quanh hồ trước Khuê Văn Các là những câu thơ hay của các tên tuổi: Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Trúc Thông, Ý Nhi… Liền đó là các poster nhiều gương mặt nhà thơ của phong trào thơ mới với những tên tuổi quen thuộc như Xuân Diệu, Huy Cận… Tại đây, trong ngày hội thơ, công chúng và các văn nghệ sĩ đã dành một phút tưởng niệm những con người của “một thời đại trong thi ca” đã khuất.

Ở sân trước, vẫn là sân khấu được bài trí và sinh hoạt theo lối truyền thống như hàng năm. Sân sau mang chủ đề “Thơ trăm miền”, ngoài sân khấu chính giản dị, hai bên là dãy lều thơ của Hội VHNT các tỉnh thành: Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Hà Nam, Phú Thọ. Ở cả hai sân khấu, lần lượt các nhà thơ trong và ngoài nước lên đọc thơ với các phần dịch bản tiếng Anh, tiếng Việt. Tại đây, người làm thơ và yêu thơ được gặp gỡ giao lưu và cùng thưởng thức những tác phẩm xuất sắc của nền thi ca trong nước và quốc tế. Năm nay vừa kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam tuổi lên 10 và cũng là lần đầu tiên một liên hoan thơ quốc tế được tổ chức nên không khí ngày hội dường như hoành tráng, nhiều tiết mục súc tích hơn và đậm tình đoàn kết.

Chiều cùng ngày, tại Ngày thơ Việt Nam lần 10, Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học cho 11 tác giả có tác phẩm đạt giải trong 2 năm 2010, 2011; tặng bằng khen các tác giả có đóng góp cho văn học, các hội văn học nghệ thuật thuộc 11 tỉnh, thành phố tham gia Ngày thơ năm 2011 và các câu lạc bộ thơ…

TPHCM: Đậm nét truyền thống

Ngày thơ TP. HCM lần thứ 10 do Hội Nhà văn TPHCM phối hợp cùng Báo SGGP tổ chức đã diễn trong ngày 5-2 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM. Năm nay, có 16 lều thơ của các CLB, các nhóm thơ tham dự. Mỗi đơn vị đều cố gắng bài trí, trang hoàng gian thơ của mình sao cho đẹp, cho ấn tượng nhất như gian của CLB Thơ nhạc Tân Bình ấn tượng với những sắc màu rực rỡ của hoa, CLB Bên dòng kênh đôi (quận 8) rộn ràng tiếng chiêng trống, CLB Văn học nghệ thuật Trường ĐH KHXH-NV TP. HCM giản dị với túp lều tranh cùng gánh hoa sen…

Một số gian khác không nổi bật về hình thức nhưng tạo sự chú ý với các hoạt động như ở gian thơ trẻ, nhà thơ nữ Ngọc Mai đề xướng ý tưởng các nhà thơ góp các tập thơ của mình để bày bán gây quỹ học bổng “Tỏa sáng tương lai”. Gian thơ của vanthoviet.com tổ chức trưng bày tưởng niệm cố nhà thơ Chim Trắng với các hoạt động giới thiệu thân thế sự nghiệp, các tác phẩm của ông. Gian của lucbat.com gây chú ý với phong cách truyền thống, mâm trà, bánh chào đón khách thơ, cũng tại đây còn tổ chức hoạt động ký tên ủng hộ thơ lục bát là quốc thơ.

Hai du khách người Đức ký tên ủng hộ thơ lục bát là quốc thơ Việt Nam
trong ngày thơ TPHCM. Ảnh: T.VÂN

Năm nay, một lần nữa bạn thơ không phải thất vọng khi các CLB mang đến những màn biểu diễn thơ đầy bất ngờ. CLB Văn học nghệ thuật Trường ĐH KHXH-NV TPHCM giới thiệu hai bạn thơ đến từ châu Âu, chị Claudia Peltel (Đức) đọc bằng tiếng Việt bài thơ “Chơi đền khán xuân” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và anh James Shaw (Anh) đọc bài thơ “Xuân tiêu lữ thứ” của Nguyễn Du.

Ngày thơ TPHCM năm nay được đánh giá là mang đậm nét truyền thống từ hình ảnh bên ngoài với những tà áo dài, áo tứ thân, nón lá, khăn đóng áo dài… xuất hiện ở khắp nơi trong khuôn viên tổ chức ngày thơ, đến cả chất thơ bên trong khi thơ lục bát được nhắc đến nhiều nhất trong các tác phẩm thơ. Ngay cả các tiết mục biểu diễn cũng nhấn mạnh đến yếu tố truyền thống với các tiết mục hát xẩm, chèo, múa cổ truyền…

Võ sư Mã Vĩnh Trinh đại diện CLB Thơ quận 12 biểu diễn tiết mục “võ trên nền thơ” nhận được rất nhiều tràng pháo tay từ khán giả. CLB Thơ nhạc Tân Bình với tiết mục hát xẩm “Hà Nội 36 phố phường” gây xôn xao cả hội thơ khi tái hiện một phiên chợ xuân Hà Nội với những gánh hàng hoa, ông đồ viết chữ, người rao hàng, người du xuân… Tiết mục hoành tráng này đã đem đến cho CLB Thơ Tân Bình giải nhất, giải nhì thuộc về vanthoviet.com, 2 giải ba thuộc về lucbat.com và CLB Cung Văn hóa Lao động TP.

Đúng 19 giờ, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM, đã đánh 3 hồi trống khai hội Ngày thơ TP. HCM lần thứ 10. Đêm thơ mở đầu bằng bài thơ “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó các nhà thơ TP bắt đầu biểu diễn các thi phẩm của chính mình. Các nhà thơ được chọn biểu diễn đều là những tác giả có tác phẩm đoạt giải từ Hội Nhà văn TP đến Hội Nhà văn VN, ngoài ra ban tổ chức còn ưu ái giới thiệu một số cây bút trẻ.

Năm nay, ngày thơ diễn ra sau Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 1 tại Hạ Long (Quảng Ninh) nên ban tổ chức đã dành khá nhiều đất cho các bài thơ nước ngoài. Có 4 nhà thơ nước ngoài có tác phẩm được biểu diễn trong ngày thơ gồm các nhà thơ Koun (Hàn Quốc), Mary E.Cory (Mỹ), Aazam Abidov (Uzbekistan), Mamta G.Sagar (Ấn Độ). Các tác phẩm của các tác giả trên được biểu diễn bởi chính các nhà thơ TP. HCM.

Nguồn Báo SGGP Online