Trần Ngọc Hiếu và "công nghệ" của tình thương

Từ trái tim nhân hậu luôn hết lòng cảm thông cho những người khốn khó hơn mình, Trần Ngọc Hiếu đã dành tất cả niềm đam mê công nghệ vào việc giúp đỡ những người khuyết tật.

(NTO) Với nhiều sản phẩm công nghệ được chứng thực có tính khả dụng cao, Hiếu đã được nhiều lời mời hấp dẫn từ các công ty lớn chuyên về các sản phẩm công nghệ- điện tử săn đón dù vẫn đang là sinh viên đang học năm cuối của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.

Say mê sáng tạo cho người khuyết tật

Một buổi chiều trên công viên Điện Biên Phủ, Trần Ngọc Hiếu, lúc ấy đang là sinh viên năm ba, gặp một cụ già liệt tứ chi được con cháu đẩy xe lăn ngắm phố phường. Đôi mắt và hình ảnh cụ già trước làn xe tấp nập gây xúc động mạnh cho chàng trai đam mê công nghệ. “Làm sao để những người khuyết tật bớt đi sự thiệt thòi? Công nghệ để làm gì nếu không giúp đỡ được những người khó hơn mình?”, những câu hỏi ấy nhói lên tự nhiên trong tấm lòng nhân hậu hiền lành. “Cụ già ấy hẳn sẽ hạnh phúc biết bao nếu tự mình đi lại mà không phụ thuộc vào người khác !” Đêm ấy, bản thiết kế đầu tiên về chiếc xe lăn liệt tứ chi được hoàn tất khi trời hừng sáng…

Ở cuộc thi Robocon Tech- Show 2010 nhằm tôn vinh những sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng thực tiễn cao, chiếc xe lăn điều khiển bằng đầu dành cho người bị liệt tứ chi của Hiếu dễ dàng thuyết phục ban giám khảo, và đoạt giải nhất với những công năng thiết thực của nó. Chỉ những động tác gật, lắc đầu, chiếc xe lăn sẽ chạy tới lui, rẽ trái rẽ phải theo ý người điều khiển. Không những thế, cử động đầu còn giúp người ngồi trên xe lăn sử dụng được điện thoại di động, máy nghe nhạc, và cả… thiết bị đuổi muỗi bằng máy phát sóng từ. Hiếu nói khi giới thiệu về công trình đuỗi muỗi của mình: “Khó chịu vì côn trùng quấy rầy, người bị liệt sẽ tăng thêm phần nào nỗi thất vọng bản thân…”. Phải thật sự đặt hết mình vào hoàn cảnh của những người khiếm khuyết mới có những ý tưởng chi ly đến thế.

Với Hiếu, công cuộc chế tác luôn song song những trăn trở cảm thông với người khuyết tật. Được giải thưởng mười bốn triệu đồng từ cuộc thi Tech- Show Robocon 2010, Hiếu trích ra sáu triệu đóng học phí, còn lại dồn tất cả mua linh kiện cần dự trữ. Cả chiếc xe lăn được giải cũng đã được Hiếu rã ra, lọc lại những bộ phận có thể tiếp tục sử dụng cho một công cuộc sáng tạo khác. Chỉ bảy tháng sau, Hiếu gọi điện cho chúng tôi thông báo về một sản phẩm mới.

Sản phẩm tiếp theo của Hiếu là một cánh tay Robot nối với máy tính, đặt kề một bàn cờ tướng được sắp sẵn có gắn camera. Thông qua camera, những hình ảnh khi đối phương di chuyển cờ sẽ được ghi lại đưa vào máy tính giải thuật tìm cách đối phó. Cánh tay máy được cấu tạo di chuyển tự do trên bàn cờ để đi quân theo sự điều khiển của máy tính. “ Mời bạn đi trước”, “ đến lượt tôi” … âm thanh phát ra từ cánh tay Robot sống động như một đối thủ thật sự. Về trình độ chơi cờ, Hiếu đã gài vào chương trình giải thuật chơi cờ tướng tốt nhất hiện tại. “ Cánh tay Robot này có thể liệt vào hàng cao thủ !”. Hiếu hồ hởi nụ cười tươi, cho biết thêm : “ Trước mắt, nó đơn thuần là cánh tay máy tự tư duy một trò chơi, nhưng là một trong những bước tiến để em tạo ra một con Robot hoàn chỉnh, có thể giúp đỡ người khuyết tật mọi việc”.

Chiếc camera cũ người ta vứt bỏ được lượm lại, chiếc lò xo cũ được gắn ở khuỷu cánh tay máy, máy tính mua giá một triệu đồng từ người bạn … Tất cả vẫn vận hành trơn tru thi triển quân cờ. Tất cả cũng gợi lên trong lòng những người nhìn thấy chúng một niềm cảm phục mãnh liệt. Hiếu tận dụng tất cả những gì có thể kiếm được cho việc sáng tạo.

Quấn từng dây điện chi li, đo đi đo lại từng mạch điện, trầm ngâm về một con chip bị tắc nghẽn không hoạt động …Phải một lần nhìn thấy Trần Ngọc Hiếu mày mò, mới hiểu được hết nỗi đam mê công nghệ của chàng sinh viên này. Cậu như một người họa sĩ mãi miết trao cả tinh lực bản thân vào bức tranh đang vẽ. Ở Hiếu, sức sáng tạo và cường độ làm việc dường như vượt xa khỏi thân hình gầy gộc, khuôn mặt xương xẩu với nụ cười hiền lành luôn thường trực. Vừa xong cánh tay robot, Hiếu lại lao vào cải tiến chiếc xe lăn của mình lên phiên bản mới. Người sử dụng có thể điều khiển xe lăn phiên bản này chỉ bằng... suy nghĩ và ánh mắt.

Những năm qua, Hiếu gần như quen với giấc ngủ chỉ bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Trí tuệ của trái tim

Chính Hiếu cũng không nhớ mình đam mê máy móc từ khi nào. Trong căn nhà lộng gió đồng ruộng ở tổ 5, Khu 1, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), tuổi thơ chỉ còn lại trong Hiếu vỏn vẹn những đồ điện cũ bị chính cậu phá ra… rồi ráp lại. Năm học lớp 11, cậu học trò hiền lành ít nói đã từng gây bất ngờ cho bạn bè, thầy cô Trường THPT Chu Văn An khi mang về giải ba cuộc thi sáng tạo toàn quốc 2006, với sản phẩm là một đôi giày cho người khiếm thị. Đôi giày ấy có khả năng phát ra báo động bằng nhiều tiếng khác nhau cho người mang khi họ gặp vũng nước, đá hay các vật cản có cao độ khác nhau trước mặt để có thể tránh đi hay tìm đường khác. Đặc biệt khi người khiếm thị quờ tay đến gần khoảng 30 cm với một mạch điện hở hay ổ điện nguy hiểm, đôi giày cũng sẽ báo động để người khiếm thị biết mà đổi hướng…

Trần Ngọc Hiếu với sản phẩm xe lăn điều khiển bằng suy nghĩ và ánh mắt dành cho người khuyết tật.

Rồi Hiếu vào đại học, vẫn là một cậu sinh viên hiền lành, ít nói. Đã thế, Hiếu còn thường xuyên… nghỉ học. Nếu không có giải thưởng Tech- Show, chắc hẳn ngay ở trường đại học mọi người vẫn không biết Trần Ngọc Hiếu là ai. Hiếu chỉ đi học lúc cần thiết để đủ điểm, lúc cần hỏi thầy giáo những điều mình muốn biết, muốn hiểu và tự tổng hợp kiến thức cần cho sự sáng tạo của mình. Cậu còn phải dành thời gian đi làm thêm. Nhà nghèo, mấy sào ruộng của ba mẹ chỉ đủ giúp học phí. Quấn dây điện rối, cắt tỉa cây xanh công viên, ban ngày Hiếu lao vào công việc kiếm tiền đảm bảo cuộc sống và ban đêm lại vùi đầu mày mò từng con chíp, đường dây điện tìm niềm vui riêng mình. Cả tiền học phí Hiếu cũng không còn dám xin ba mẹ. “Em được đi học đến giờ này đã là một sự nỗ lực rất lớn của ba mẹ …”, Hiếu tâm sự. Nhà còn đứa em gái út, năm ngoái từng phải bỏ dỡ giấc mơ vào Trường Đại học Nông Lâm vì ba mẹ không còn đủ khả năng chu cấp. Lúc đó, em gái Hiếu đã đậu với số điểm khá cao …

Canh cánh ưu tư chưa giúp gì được cho gia đình, cả những ấp ủ sáng tạo đáng được tôn vinh Hiếu cũng giấu luôn bố mẹ. Cậu đã từng liều lĩnh lấy luôn tiền đóng học phí gia đình gửi vào để lao vào hoàn tất chiếc xe lăn. Ngày được giải chỉ dám báo vui với bố mẹ rằng “trường tài trợ con được giải thưởng sáng tạo xe lăn”. Và cả sản phẩm mới nhất đến nay cũng còn là một bí mật với gia đình. Hiếu không dám những người thân phải bận lòng vì những đam mê riêng của cậu...

Tại cuộc thi Tech- Show Robot con 2011 diễn ra tại Đà Nẵng tháng 7 vừa qua, hai sản phẩm robot đánh cờ và xe lăn điều khiển bằng suy nghĩ của Hiếu đã thu hút ông Giám đốc Công ty SaPai, một công ty lớn chuyên về sản xuất sản phẩm công nghệ tại TP.Hồ Chí Minh. Hiếu trở thành nhân viên phát triển, thiết kế công nghệ của Công ty SaPai ngay sau đó.

Những ngày cuối năm, căn phòng trọ của Hiếu lại càng bộn về với những linh kiện điện tử, thiết bị máy móc. Vừa bộn bề bài vở giảng đường năm cuối, vừa phải đảm bảo công việc ở công ty đang làm, Hiếu vẫn không dừng nụ cười của mình để cải tiến chiếc xe lăn thêm hoàn hảo cho người khuyết tật, dễ dàng sản xuất hàng loạt. Chưa hết, Hiếu còn trừ luôn giấc ngủ của mình cho những thiết bị chống trộm thực hiện theo những đơn đặt hàng riêng từ bên ngoài. “Em phải giúp đỡ bố mẹ và em gái đi học nữa, với lại bao nhiêu là dự định còn ở phía trước nên thời gian luôn là thứ quý nhất của em”, Hiếu tâm sự.

Có ai đó đã nói rằng “trí tuệ của trái tim luôn luôn sáng suốt”. Điều đó đã được Trần Ngọc Hiếu, chàng sinh viên quê Ninh Thuận chứng minh bằng những sản phẩm hết sức thiết thực từ chính lòng yêu thương của mình.