Gặp những gương mặt tiêu biểu

(NTO) Anh Lê Ngọc Huy, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Công ty TNHH May Tiến Thuận.

Lê Ngọc Huy (sinh năm 1972), là người đam mê cống hiến cho công việc và luôn phát huy thế mạnh của một người luôn năng động. Gắn bó với Công ty TNHH May Tiến Thuận từ năm 2004, phụ trách lĩnh vực Khoa học-Công nghệ, những năm qua, anh Huy đã có nhiều nghiên cứu, sáng kiến được ứng dụng trong sản xuất, đem lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như: Thiết kế và đưa vào ứng dụng rập cải tiến giúp rút ngắn công đoạn và nhân công trong dây chuyền may; nghiên cứu giúp công ty chuyển đổi chương trình sản xuất theo hệ thống Lean (sản xuất tinh gọn) tạo cho công nhân tác phong công nghiệp vừa đem lại năng suất cao, đảm bảo doanh thu cho công ty vừa rút ngắn được thời gian giúp giao hàng đúng thời hạn. Với chuyên môn chính là quản lý chất lượng, kỹ thuật, công việc của anh luôn đòi hỏi sự năng động và nhạy bén, không ngừng có ý tưởng cải tiến để đưa lại năng suất cao nhất, đảm bảo chất lượng sản phẩm làm hài lòng khách hàng và tạo nên một môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động. Lê Ngọc Huy cho biết: “Không có khó khăn nào là không thể vượt qua, không có cách tháo gỡ. Bản thân tôi luôn nỗ lực cố gắng, nghiên cứu và đưa ra những cải tiến để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo nhất".

Nhật Quỳnh
• Thượng úy Võ Thành Tâm, Chiến sỹ thi đua của Lực lượng vũ trang tỉnh

Với đặc thù là đơn vị thường xuyên phân tán, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các công trình chiến đấu và tham gia dò tìm xử lý bom mìn, vật nổ phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội tỉnh. Tính chất công việc nặng nề, nguy hiểm tác động rất lớn đến tư tưởng, tâm lý của bộ đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì thế Thượng úy Võ Thành Tâm, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đại đội Công binh 19-Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên lãnh đạo, Chỉ huy đơn vị, tích cực nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, vận dụng linh hoạt vào quá trình thực hiện nhiệm vụ: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, tham gia dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ cho các dự án, công trình bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Với những việc làm cụ thể, Thượng úy Võ Thành Tâm đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Năm 2009, 2010 Đại đội Công binh 19 được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Năm 2011 được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Bản thân Thượng úy Võ Thành Tâm được chọn là điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”và phong trào thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh nhiều năm liền; liên tiếp 3 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua của lực lượng vũ trang tỉnh.

Xuân Bính
• Cô giáo Bá Thị Huyền, Giáo viên Trường Tiểu học Tân Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước)

Tròn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Bá Thị Huyền luôn là tấm gương sáng về lòng yêu nghề và tinh thần nỗ lực, tận tụy vì học sinh. Học sinh của Trường TH Tân Đức đa số là con em dân tộc Chăm, với trình độ tiếng Việt phổ thông còn hạn chế, thêm vào đó điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn nên nhiều gia đình cũng chưa quan tâm đúng mức đến việc học của con cái. Chính vì vậy, những người giáo viên như cô giáo Huyền ngoài giờ lên lớp với những bài giảng đầy tâm huyết và yêu thương, còn phải đến tận nhà, nắm rõ từng điều kiện hoàn cảnh của học sinh để động viên các em tới lớp. Bản thân cô Huyền luôn không ngừng học tập, nâng cao trình độ. Năm học 2007-2008, cô đoạt giải nhì cấp huyện và được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cô cũng là tác giả của sáng kiến kinh nghiệm “Biện pháp khắc phục tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp” đạt loại B cấp huyện và được công nhận cấp tỉnh. Không chỉ là giáo viên được học trò quý mến, cô Bá Thị Huyền còn là người vợ, người mẹ mẫu mực, năm 2010 đạt danh hiệu “Hai giỏi” và đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở năm học 2009-2010.

Bích Thủy
• Anh Võ Văn Lộc, Cán bộ 30A, xã Phước Thắng (Bác Ái)

Anh Võ Văn Lộc tâm sự: “Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, tôi từng làm việc cho một công ty tư nhân với mức lương rất hấp dẫn. Được 4 năm, sau khi đã ổn định chuyện gia đình, tôi bắt đầu có những suy nghĩ khác hơn về công việc và hướng đi của mình. Và tôi đã tình nguyện tham gia chương trình tăng cường trí thức trẻ về công tác ở huyện vùng cao Bác Ái này”. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới, với anh Lộc mọi thứ đều bỡ ngỡ, từ địa bàn đến ngôn ngữ, phong tục tập quán của bà con Raglai nơi đây. Sống xa gia đình, nhưng bù lại anh được sống cùng với bà con Raglai thật thà, giàu tình cảm, anh vô cùng cảm động. Sau một thời gian, anh đã bắt nhịp được với công việc được giao. Những công việc “không tên” cứ thế thử thách lòng nhiệt huyết và trình độ, năng lực của anh. Được giao nhiệm vụ phụ trách mảng kinh tế, anh và những cán bộ Chương trình 30a ở xã Phước Thắng đã triển khai nhiều chương trình sản xuất mới cho bà con trong xã. Anh còn đảm luôn vai trò là người lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Mỗi lần đến tận ruộng để hướng dẫn bà con cách canh tác cây lúa, điều anh vui nhất chính là cảm giác gần gũi, tin tưởng mà bà con dành cho anh. Niềm hạnh phúc ấy lại nhân lên khi mỗi vụ thu hoạch, ruộng nhà ai cũng đạt năng suất cao. Với quan niệm: Thanh niên thì phải luôn có ý thức tự hoàn thiện mình nên anh Võ Văn Lộc cố gắng tự học hỏi để nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt để thực hiện tốt nhất công việc của mình, góp phần giúp bà con trong xã nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới Phước Thắng ngày càng phát triển hơn.

Hồng Nhạn