Hiệu quả từ một nghị quyết

Cách đây gần 3 năm, khi Đảng bộ thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải đưa chủ trương chuyển đổi đất đìa tôm kém hiệu quả sang trồng lúa đã khiến không ít người hồ nghi, thiếu tin, thậm chí không đồng thuận. Tuy nhiên, cũng chính nhờ chủ trương "táo bạo" và đầy trách nhiệm này, giờ đây màu xanh của cánh đồng lúa với những vụ mùa bội thu đã dần thay thế những ao đìa san sát từng bị bỏ hoang.

(NTO) Cách đây 10 năm, với mong muốn “đổi đời”, nhiều hộ dân bất chấp chủ trương giữ đất trồng lúa, đã ồ ạt biến ruộng “ngọt” thành ao đìa nước mặn để thả nuôi tôm sú. Theo phong trào tự phát này, thị trấn Khánh Hải đã có trên 100 ha, vốn là đất màu và đất lúa 3 vụ ăn chắc được người dân “chuyển đổi mục đích sử dụng”. Do chỉ áp dụng vốn kinh nghiệm “cày sâu cuốc bẫm” vào nuôi trồng thủy sản khiến chẳng bao lâu, nhiều nông dân trở nên tay trắng. Hệ lụy của con tôm sú đã kéo theo hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp phải bỏ hoang lãng phí, nhiều người dân không có việc làm ổn định trong một thời gian dài.

Nông dân Khánh Hải sản xuất hiệu quả trên thửa ruộng mới chuyển đổi.

Trước thực trạng khó khăn và yêu cầu bức thiết đời sống người dân, nhiều kỳ họp Đảng bộ, HĐND thị trấn đều đặt vấn đề tìm hướng chuyển đổi đối tượng nuôi trồng, nhằm ổn định sản xuất và đảm bảo an sinh cuộc sống cho người dân địa phương. Đã có nhiều mô hình sản xuất được đề xuất, thử nghiệm như nuôi cua, ghẹ, cá chẽm, cá mú, cá phi lai đơn, thậm chí cả hướng trồng sen trên đất mặn đìa tôm... nhưng tất cả đều không mang lại hiệu quả kinh tế để “níu” người dân yên tâm quay lại sản xuất trên chính mảnh đất của mình.

Trên cơ sở nghiên cứu, tìm tòi vận dụng và liên hệ thực tiễn một số nơi, bằng quyết tâm và tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, Đảng bộ thị trấn Khánh Hải đã cùng chính quyền và các tổ chức đoàn thể, bàn bạc trao đổi thống nhất phương án chuyển đổi đất đìa tôm kém hiệu quả sang trồng lúa. Với quyết tâm chính trị cao, nội dung phục hồi đất lúa đã được đưa vào Nghị quyết phát triển kinh tế -xã hội của Đảng bộ để thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Nông dân Khánh Hải đầu tư nâng cao năng suất lúa. Ảnh: Sơn Ngọc

Ông Phạm Ngọc Thương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Hải cho biết: “Chủ trương đã rõ, nhưng có một số khó khăn lớn cần tập trung giải quyết đó là làm sao vận động được bà con tin tưởng tính hiệu quả để cùng tham gia. Hai là làm cách nào giúp nông dân giải quyết khó khăn về kinh phí san lấp ao đìa thành ruộng. Bởi thực tế nhân dân không còn vốn, mặt khác tất cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân đều đã thế chấp cho Ngân hàng trước đó rồi, không còn khả năng vay vốn để tiếp tục đầu tư vào sản xuất”.

“Cái khó ló cái khôn”, phương án giải quyết sau đó được đưa ra là tổ chức từng bước theo dạng mô hình thí điểm. Từ thành công bước đầu sẽ nhân rộng ra dần. Trước mắt, vận động một số hộ tích cực, có diện tích đất liền kề, thuận lợi cho việc san ủi và chủ động nguồn nước tham gia trước. Mặt khác, Ban Quản lý Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Hải đứng ra vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội kết hợp với vốn đối ứng của HTX để thuê phương tiện máy móc san ủi cho từng hộ xã viên. Sau đó bàn giao đất và hỗ trợ giống, vật tư, phân bón cũng như tích cực hướng dẫn người dân kỹ thuật rửa mặn và canh tác chăm sóc lúa. Các hộ dân tham gia, thực hiện hợp đồng đã ký với HTX sẽ trả nợ dần tiền lãi và gốc theo thời vụ.

Chính sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các hộ dân, ngay trong năm đầu tiên cả 13 hộ xã viên, với tổng diện tích 7,5ha tham gia mô hình thí điểm san lấp đìa tôm để quay trở lại sản xuất lúa đều cho thu hoạch với năng suất 4-5 tấn/ha/vụ, có hộ năng suất đạt 6 tấn/ha/vụ – cao bằng với các vùng ruộng thuần lân cận. Từ hiệu quả của mô hình điểm, nhiều hộ dân đã không ngần ngại tham gia mở rộng diện tích chuyển đổi từng bước khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, người dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Là một trong những hộ dân tiêu biểu đi đầu trong việc tham gia và cùng vận động các hộ dân chuyển đổi từ đất đìa tôm kém hiệu quả sang trồng lúa 2-3 vụ ăn chắc, anh Lê Ngọc Tĩnh, cười vui tâm sự: “Nhờ chủ trương này mà gia đình tôi hết lo thiếu đói. Nợ cũng trả dần hết rồi, nhẹ cả người. Giờ chỉ lo bám ruộng thôi, bởi yên tâm khi đất đã thuần rồi thì những vụ tới chắc chắn năng suất sẽ còn cao hơn nữa”.

Những ngày này đi trên cánh đồng lúa rộng hàng chục hec-ta của người dân Khánh Hải đã độ lên xanh, chứng kiến cảnh người nông dân chăm chỉ lao động trên từng thửa ruộng, trân trọng giọt mồ hôi rơi trên từng tấc đất của mình. Cảm nhận như những vất vả lận đận một thời đang dần qua đi. Những vụ mùa bội thu nối tiếp như một minh chứng cho sức lan tỏa của một nghị quyết vì dân rất đáng được trân trọng.