Ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp thứ 3, HĐND dân tỉnh khóa IX

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh:

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội theo tinh thần Nghị quyết HĐND tỉnh khóa IX, UBND tỉnh xác định trong năm 2012 phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh đạt từ 14-15%; GDP bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng; thu ngân sách đạt 1.235 tỷ đồng. Để đạt được các chỉ tiêu trên, sau kỳ họp này UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành nâng cao tính chủ động trong tham mưu đề xuất để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để làm sao tăng chỉ số cạnh tranh, tạo môi trường thu hút đầu tư tốt nhất. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức lại bộ máy hoạt động, nhằm phát huy tốt nhất tinh thần trách của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người đứng đầu các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh.

 
 Đồng chí Cao Văn Mão, Giám đốc Sở Giao thông vận tải:

Những năm qua, cùng với việc đầu tư của Trung ương, tỉnh ta còn luôn ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông với tốc độ phát triển nhanh. Tuy nhiên, nếu cân phân nhìn nhận thì kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh ta có nơi còn chưa thật sự hoàn chỉnh, một số tuyến đường đã bị xuống cấp, nhưng chưa kịp thời tu sửa, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Để khắc phục vấn đề này, thời gian tới Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để trình UBND tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, một mặt sở sẽ tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ thông qua kế hoạch hàng năm của ngành, mặt khác tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương thông qua các dự án sử dụng vốn ODA và vận động các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa công trình theo hình thức BOT, BT... Để làm được điều này ngành Giao thông vận tải rất cần có sự hỗ trợ của các ngành, địa phương trong tỉnh, nhất là việc đền bù giải phóng mặt bằng, có như vậy tiến độ xây dựng của các công trình giao thông mới hoàn thành tốt kế hoạch đề ra.
Đồng chí Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế:

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân luôn được các cấp, các ngành hết sức quan tâm. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động, hệ thống ngành Y tế tỉnh ta đã bộc lộ khá nhiều hạn chế, đó là nguồn nhân lực vừa thiếu về số lượng vừa hạn chế về trình độ chuyên môn; cơ sở hạ tầng xuống cấp chậm được đầu tư xây dựng, nâng cấp; trang thiết bị lạc hậu; hoạt động dự phòng còn nhiều bất cập; công tác xã hội hóa ngành y tế chưa được chú trọng đẩy mạnh... Vì thế, việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020 là rất phù hợp. Bám sát tinh thần của Nghị quyết, thời gian tới ngành Y tế sẽ tập trung chỉ đạo để xây dựng hệ thống y tế tỉnh nhà từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn từng bước hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 8 bác sĩ/vạn dân; 100% thôn bản có nhân viên y tế; 90% xã, phường đạt chuẩn quốc gia.
 
Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Lâu nay, trong kế hoạch đầu tư sản xuất nông nghiệp, ngành đã tập trung rất nhiều cho việc xây dựng các công trình thủy lợi. Đây là điều kiện rất quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Để tiếp tục đẩy mạnh tiến độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, thời gian tới ngành nông nghiệp xác định trước hết phải quan tâm rà soát và điều chỉnh quy hoạch tổng thể theo hướng khai thác các thế mạnh của địa phương và đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Khuyến khích, tạo điều kiện để nông dân xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp để tăng năng suất và chất lượng đàn. Nhân rộng các chương trình về chuyển giao khoa học-kỹ thuật với trọng tâm là chuyển giao các giống mới, kỹ thuật canh tác mới đối với các cây, con chủ lực của tỉnh như: sản xuất tôm thương phẩm, tôm giống, sản xuất nho,... theo hướng liên kết nông dân thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp, tạo đầu ra cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương nhằm góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết HĐND tỉnh (khóa IX) đã đề ra.
 
Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước:

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết HĐND tỉnh (khóa IX), trong năm 2012 chủ trương của huyện Ninh Phước là tập trung khai thác các thế mạnh của địa phương để hướng đến nền sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, theo hướng nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Trong đó, về lĩnh vực kinh tế, huyện sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc luân canh, chuyển đổi một số cây, con phù hợp với thế mạnh địa phương như nho, táo và hình thành vùng lúa giống, rau an toàn. Cùng với đó, huyện tập trung củng cố hệ thống HTX, trang trại chăn nuôi; quan tâm để các làng nghề tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả. Tập trung chỉ đạo để 100% xã, thị trấn hoàn thành việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 và hướng đến năm 2020 để triển khai một số dự án như: dự án xây dựng nhà máy ti tan, nhà máy chế biến cây neem...

 
Ông Thiên Sanh Hội, Cử tri xã Phước Ninh (Thuận Nam):

Chất lượng kỳ họp HĐND tỉnh lần này được nâng cao hơn rất nhiều, điều này thể hiện rõ ở các văn bản trình bày tại kỳ họp đã được các Ban của HĐND tỉnh thẩm định chặt chẽ, những vấn đề chưa rõ, chưa đáp ứng yêu cầu đều được bổ sung hoàn chỉnh. Tuy nhiên, qua theo dõi nhiều kỳ họp chúng tôi nhận thấy việc chất vấn và trả lời chất vấn chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm, các đại biểu được chỉ định trả lời chất vấn mới chỉ liệt kê và nêu các thành tích trong báo cáo. Mong rằng, tại kỳ họp này các ngành được trả lời chất vấn cần thực sự thể hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Sau kỳ họp, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh cần thực hiện tốt việc giám sát để các đại biểu tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc với cử tri các địa phương.