Lời xin lỗi muộn màng

Sống trên đời ai mà không mắc lỗi, nhưng biết nhận lỗi và có lời xin lỗi dù đó là lời xin lỗi muộn màng còn hơn không biết nói lời xin lỗi. Kỷ niệm khó quên của tôi là hồi đầu năm học này, năm học cuối cấp trung học phổ thông mà tôi muốn kể với mọi người sẽ luôn nhắc nhở tôi điều đó.

(NTO) Ngày khai giảng năm học, tôi cũng như bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ chuẩn bị hành trang tốt nhất để đến trường. Làm cha làm mẹ ai mà không thương con, lo lắng cho con, nhất là bước vào năm học mới, lại là năm học cuối cấp. Tôi còn nhớ như in, mới hơn 5 giờ sáng cả nhà tôi đều thức dậy, mọi người lo sửa soạn chuẩn bị cho tôi đến trường. Sau đó, bố tôi chuẩn bị đi làm, hôm nay phải lấy nước ruộng, mẹ tôi sẽ phụ giúp bố tôi, nhà tôi làm ruộng mà. Tôi và em gái chuẩn bị đến trường dự lễ khai giảng năm học mới. Đứa em gái nhanh nhẩu mặc đồ mới, mang giày, xách cặp rồi đứng trước gương tự ngắm mình. Trông nó thật dễ thương và thông minh. Nó không có ý kiến gì về áo quần, giày dép… và tới trường trước tôi. Nó học trường THCS gần nhà nên nó đi bộ tới trường. Còn tôi sau khi đã chuẩn bị gần xong lấy xe đạp để tới trường, bỗng tôi nhận thấy đôi dép mới của tôi mẹ mới mua bằng những đồng tiền tiết kiệm từ công sức bỏ ra trên ruộng đồng. Đôi dép không có quai sau. Tôi đã kêu lên: mẹ mua dép không đúng, con không đến trường được. Mẹ tôi nhìn tôi và nói: “Mẹ không biết quy định của nhà trường là không được mang dép không có quai sau đến trường, cho mẹ xin lỗi”. Tôi đã không kìm chế được bản thân mình và đã lớn tiếng với mẹ và nói: Con không đi học nữa vì không có dép. Mẹ nhìn tôi với ánh mắt buồn. Mẹ nói: “Thôi con chịu khó mang dép cũ vậy, dép cũ vẫn còn tốt và là dép có quai sau đúng quy định của nhà trường”. Tôi nhìn đôi dép cũ đã sờn quai mà tôi đã mang đi học trong thời gian gẩn hai năm học. Đôi dép này là quà của bác tôi đã tặng nhân dịp tôi được vào lớp 10 THPT, nhà tôi nghèo nên bố mẹ tôi chật vật lắm mới lo đủ ăn mặc cho cả nhà, chứ đâu mà biết phải mua dép này dép nọ cho tôi. Tôi không nhận ra điều đó mà chỉ biết rằng mẹ tôi là người có lỗi và tôi đã tỏ thái độ không đúng mực với mẹ và kiên quyết không mang dép cũ đến trường. Mẹ tôi rơm rớm nước mắt và năn nỉ tôi: “Con chịu khó ngày hôm nay thôi và chiều nay mẹ sẽ cố gắng để có tiền mua dép mới cho con”. Giá như tôi nhận ra sớm hơn sự vất vả của bố mẹ và sự nghèo không phải là lỗi của bố mẹ và hơn thế nữa mẹ tôi ít chữ nên không rõ phải mua dép như thế nào cho đúng thì tôi đã không nói với mẹ những lời như trên. Thấy tôi như vậy, bố tôi đã phải chở tôi đến trường để qua hàng giày dép mua nợ cho tôi đôi dép khác.

Mẹ ơi, hôm nay con đã nhận ra rằng chúng con được tới trường, được đi học là cả sự vất vả sớm hôm của bố mẹ. Áo quần, giày dép, sách vở… là cần thiết để học hành. Nhưng không phải là phải có quần áo đẹp, đúng mốt, giày dép tốt mới học giỏi phải không bố mẹ. Chỉ cần có là được, không rách nát, không bẩn thỉu… thế là đến trường được rồi. Con ngàn lần xin lỗi mẹ và con tự nhủ rằng con sẽ cố gắng học tập để tiếp thu được kiến thức để có cơ hội học lên để thoát nghèo phải không bố mẹ. Nếu như ngày đó con vui vẻ mang dép cũ đến trường thì bố mẹ không mất ngày công làm ruộng để lỡ dịp lấy nước ruộng kịp thời vụ, mẹ đã không phải bỏ ra mấy chục ngàn đồng mua dép mới cho con. Nếu như con không nói nặng lời với mẹ để mẹ buồn lòng thì đã không có gì xảy ra phải không mẹ.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, hôm nay đã gần hết học kỳ I năm học cuối cấp THPT, con đường trước mắt còn dài, còn rất nhiều khó khăn vất vả mà con phải trải qua. Không phải chỉ là áo quần, giày dép… mà là rất nhiều thứ phải có để phục vụ cuộc sống, thế nhưng không phải tự nhiên mà có phải không bố mẹ. Tất cả là mồ hôi, nước mắt có được. Chúng con phải biết trân trọng vật dụng mà bố mẹ đã cho chúng con. Con xin lỗi mẹ vì đã có lời nói làm mẹ buồn lòng.