Để đưa Nghị quyết số 09-NQ/HU đi vào cuộc sống, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền địa phương được thực hiện đồng bộ, với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt. Việc lồng ghép nguồn lực phân bổ của cấp trên, nhất là các chương trình, dự án phát triển kinh tế thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giúp người dân đầu tư phát triển sản xuất, duy trì và nhân rộng hiệu quả các mô hình giảm nghèo trên địa bàn.
Tại địa bàn các xã đặc biệt khó khăn như Bắc Sơn, Phước Kháng, Phước Chiến, quá trình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU đạt nhiều kết quả, từ định hướng của chính quyền địa phương cùng với chính sách trợ giúp của Nhà nước, người dân tích cực lao động sản xuất, nâng cao điều kiện sống và sinh hoạt. Đồng chí Đoàn Hữu Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn cho biết: Nhằm đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo, xã tăng cường điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để triển khai các phương án hỗ trợ phù hợp; nhờ đó nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được hình thành, sản phẩm nông nghiệp làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định. Là một trong những hộ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, chị Dương Thị Gánh, ở thôn Bỉnh Nghĩa phấn khởi: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, mặc dù có đất canh tác nhưng do thiếu nước nên sản xuất kém hiệu quả. Được Nhà nước cấp cho một con bò, hỗ trợ thêm nông cụ phục vụ sản xuất và được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn, giúp tôi có kinh phí cải tạo đất trồng một số cây ăn quả, 3 sào lúa, nhờ đó có thu nhập ổn định, trang trải đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thuận Bắc tổ chức lớp đào tạo nghề may cho lao động nông thôn.
Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, huyện Thuận Bắc đã hỗ trợ 27 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, cấp 1.113 giống heo đen, bò, dê cho 417 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị cây nha đam cho 32 hộ Raglai thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, với kinh phí trên 1.445 triệu đồng. Thực hiện chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi cho 5.520 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với số tiền 362 tỷ đồng, góp phần giúp hơn 1.300 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Với lợi thế nguồn lao động dồi dào, huyện chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bình quân hằng năm tạo việc làm mới cho trên 1.360 lao động và có 17 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, công tác xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm, chú trọng, với 100 căn nhà đại đoàn kết được xây mới, tổng giá trị 6,7 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh, của huyện và các tổ chức xã hội đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 22 căn nhà cho người nghèo có công với cách mạng, hộ khó khăn về nhà ở, với kinh phí 975 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế... được thực hiện đầy đủ, đúng quy định đã đem lại kết quả hết sức khích lệ, tạo bước đột phá trong giảm nghèo ở địa phương. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 13,33%, bình quân hằng năm giảm 4,75%, đạt 190% kế hoạch so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; hộ cận nghèo còn 1.184 hộ, chiếm 10,47% trên tổng dân số.
Theo đánh giá của của Huyện ủy Thuận Bắc, qua thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát với thực tế cơ sở, ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân có chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh vẫn còn xảy ra; việc huy động nguồn lực trong nhân dân và xã hội hóa để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước hỗ trợ là chính...
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 10% và đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, huyện Thuận Bắc đề ra các giải pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất. Thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; huy động tối đa nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền khơi dậy ý chí chủ động, tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo bền vững...
Hồng Lâm