Với mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh lên 49% vào năm 2025, thời gian qua, nhờ sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành công tác quản lý, BVR trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; tài nguyên rừng được quản lý, bảo vệ tốt đã góp phần nâng cao độ che phủ rừng. Đặc biệt thông qua các chương trình dự án về phát triển lâm nghiệp bền vững, các chủ rừng, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng, nâng cao chất lượng trồng rừng. Cùng với đó, các đơn vị chủ rừng, địa phương đẩy mạnh công tác BVR, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi rừng tự nhiên, kết hợp với trồng bổ sung; bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng và người dân trong công tác BVR, phát triển rừng và PCCCR. Nhờ đó, chỉ tính riêng trong năm 2024, toàn tỉnh đã trồng rừng mới được 733ha, thực hiện chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng trồng 2.841,7ha đang trong giai đoạn chăm sóc; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 1.970ha. Qua đó, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 48,14%.
Nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Phước Đại sử dụng thiết bị máy bay không người lái vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Là đơn vị quản lý hơn 39.397ha rừng, trong đó diện tích rừng 23.711ha và 15.676ha đất chưa có rừng, để nâng cao công tác BVR và chăm sóc, quản lý rừng trồng đạt hiệu quả, thời gian quan, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Sắt - Sông Trâu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc, BVR, PCCCR nhằm nhận thức của người dân về trồng và quản lý rừng, góp phần tích cực vào việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, làm tăng tỷ lệ che phủ của rừng, tạo sinh kế lâu dài cho người dân. Ông Hoàng Lộc, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Sắt - Sông Trâu cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác BVR và rừng trồng, bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng rừng theo kế hoạch, đơn vị cũng thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn người dân chăm sóc rừng trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng. Đồng thời, đơn vị còn thành lập các tổ, nhóm cộng đồng, hộ dân tham quản lý BVR ở các xã, thôn; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tin, phần mềm theo dõi diễn biến rừng, sử dụng ảnh vệ tinh vào công tác quản lý, giám sát rừng tự nhiên và quản lý rừng trồng trên lâm phần đơn vị quản lý. Nhờ đó, trong năm 2024, đơn vị đã trồng được 173ha rừng thay thế; tổ chức chăm sóc trên trên 880ha rừng trồng và khoanh nuôi rừng tái sinh được trên 1.000ha.
Song song với công tác trồng, chăm sóc rừng, công tác giao khoán BVR gắn với hỗ trợ sinh kế cho người dân tham gia BVR cũng được các cấp ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện có hiệu quả cho các tổ, nhóm cộng đồng nhận BVR. Nhờ đó, công tác trồng, quản lý trồng rừng và phát triển rừng ngày càng tốt hơn. Đến nay, các đơn vị chủ rừng đã tổ chức giao khoán cho tổ, nhóm cộng đồng nhận BVR tại các địa phương với diện tích trên 73.270ha. Nhờ đó, những diện tích rừng giao quản lý, bảo vệ tốt hơn. Ông Lê Minh Hiền, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Tân Giang cho biết: Hiện nay, đơn vị giao cho các tổ, nhóm cộng đồng với diện tích 12.709ha. Các tổ, nhóm BVR đều xây dựng quy chế BVR; chủ động phân công lịch trực, phối hợp với kiểm lâm địa bàn xây dựng các phương án BVR. Ngoài ra, các tổ, nhóm cộng đồng còn là lực lượng tham gia công tác trồng, chăm sóc rừng thuộc các chương trình, dự án.
Cùng với đó, công tác quản lý, BVR trong thời gian qua cũng được Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các đơn vị chủ rừng và địa phương xây dựng phương án BVR theo kế hoạch; thực hiện tốt quy chế phối hợp về công tác quản lý, BVR tại những khu vực rừng trọng điểm, rừng giáp ranh giữa các tỉnh. Đồng thời, các đơn vị kiểm lâm, chủ rừng và các địa phương tổ chức 118 đợt tuyên truyền phổ biến pháp luật với 5.432 lượt người tham gia; vận động ký cam kết không vi phạm các quy định về rừng cho 849 hộ; phối hợp với lực lượng công an, quân đội, các tổ, nhóm cộng đồng triển khai kiểm tra, truy quét chống phá rừng 853 đợt truy quét, tuần tra, kiểm soát trên diện rộng tại những khu vực rừng trọng điểm, giáp ranh nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm về lĩnh vực rừng với 12.106 lượt người tham gia. Qua công tác tuần tra, truy quét, đã phát hiện ngăn chặn 111 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, BVR. Xử lý hình sự 1 vụ, 123 vụ vi phạm; tịch thu 42,997m3 gỗ các loại, 225kg than hầm...; thu nộp ngân sách 973,9 triệu đồng.
Đồng chí Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác BVR, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49% vào năm 2025, thời gian tới, đơn vị tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển diện tích rừng hiện có của tỉnh; triển khai tốt các giải pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Huy động các nguồn vốn để trồng rừng, chăm sóc rừng trồng; khoanh nuôi tái sinh rừng; rà soát cập nhật các diện tích rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ quan liên quan và lực lượng kiểm lâm các tỉnh giáp ranh thực hiện hiệu quả công tác BVR. Đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, sử dụng máy bay không người lái vào công tác quản lý, giám sát rừng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong công tác BVR; phục hồi và quản lý rừng bền vững gắn với xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng; từng bước thực hiện mục tiêu gắn bảo vệ, phát triển rừng đảm bảo môi trường sinh thái, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Nhã Uyên