Thành tựu trên có những đóng góp to lớn của đội ngũ người có uy tín - cầu nối đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con đồng bào.
Một lòng theo Đảng
Toàn tỉnh Ninh Thuận có 32 DTTS, với 39.478 hộ, chiếm trên 24% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có 124 NCUT, đây là những người được thôn, xóm bình chọn, suy tôn, gắn bó mật thiết với nhân dân; có vai trò và ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương. Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong những năm qua, NCUT tại các vùng DTTS đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là “chỗ dựa” quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận. Họ là những người gương mẫu, đi đầu thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa “ánh sáng của Đảng” đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn; không quản ngại khó khăn, gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con tích cực tham gia các phong trào thi đua; giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng. Qua đó, tạo sự đồng thuận, niềm tin vững chắc của bà con vào Đảng và Nhà nước.
Người có uy tín Cà Mau Viên (bên phải) nói chuyện với giáo viên Trường Tiểu học Tà Nôi, Ma Nới (Ninh Sơn). Ảnh: Lê Thi
Với những đóng góp tích cực, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều điển hình, tấm gương sáng của NCUT trong cộng đồng DTTS, tiêu biểu có bà Kiều Thị Khuê, NCUT trong đồng bào Chăm, Bí thư Chi bộ thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước). Tháng 6/2024, bà nằm trong danh sách 200 cá nhân tiêu biểu NCUT vừa được tôn vinh tại Chương trình “Điểm tựa bản làng” do Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Dù mới trở về sau chuyến đi, nhưng bà đã bắt tay vào làm việc bởi bà không cho phép bản thân lơ là công việc dù ở bất cứ trường hợp, thời điểm nào. Chính vì tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, nêu gương đi đầu, nên các phong trào thi đua, hoạt động tại thôn do bà dẫn dắt như được thổi một “luồng gió mới”. Điểm sáng có thể nhắc đến chính là những nỗ lực của bà Khuê trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng bà con theo đạo Hồi giáo Bà Ni trong thôn. Thời gian qua, bà tích cực tuyên truyền vận động tín đồ thực hiện tốt luật tục, phong tục tập quán, lễ nghi cúng kính theo giáo lý, giáo luật, hiến chương Hội đồng Sư cả đề ra; tích cực chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch với các vấn đề dân tộc, tôn giáo, chống phá các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là trên các nền tảng xã hội. Để làm tốt được điều này, thời gian qua, bà Khuê phối hợp chặt chẽ với Chi bộ, ban công tác mặt trận thôn, các hội, đoàn thể bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng giải quyết tốt các luồng thông tin xấu phát tán tại cơ sở. Ngoài ra, bà đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con DTTS chung tay, hưởng ứng các phần việc góp sức xây dựng địa phương. Nhờ vậy, chỉ riêng trong năm 2023, bà con thôn Tuấn Tú đã chung tay, đồng lòng hiến đất xây dựng đoạn đường từ Tuấn Tú nối liền thôn Thành Tín, xã Phước Hải; làm đường giao thông vào vùng ruộng Bầu Sình; đóng góp hơn 450 triệu đồng làm tường rào sân bóng; trồng mới 1.000 cây xanh với tổng trị giá 122 triệu đồng từ sự hỗ trợ của doanh nghiệp địa phương; chung tay tham gia các phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, không để các đối tượng xấu lôi kéo, góp phần gìn giữ an ninh, bình yên cho thôn, xóm.
Hay với tấm gương ông Cà Mau Viên, NCUT thôn Tà Nôi, xã Ma Nới (Ninh Sơn), thời gian qua, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con DTTS thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế vươn lên thoát nghèo; nỗ lực lao động, thay đổi suy nghĩ sản xuất “tự cung, tự cấp”, xây dựng các mô hình sinh kế hiệu quả.
Để làm được điều này, ông xác định rõ bản thân phải là tấm gương đi đầu để thuyết phục bà con. Nghĩ đi đôi với làm, ông thực hiện xen canh các loại đậu, bắp, lúa phù hợp với thời vụ, phát triển chăn nuôi bò. Gần đây, ông còn triển khai mô hình nuôi dê sinh sản, cho tổng thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Ông Viên chia sẻ: Là vùng sâu, vùng xa nên thôn còn gặp nhiều khó khăn, dân trí còn chưa cao. Đặc biệt, kiến thức trong chăn nuôi, sản xuất của bà con còn hạn chế. Vì vậy, tôi đã tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn về khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để bà con thực hiện. Đồng thời, với kinh nghiệm được học hỏi, tôi cũng đồng hành, chia sẻ kiến thức với bà con. Đến nay, bà con tin tưởng, thực hiện các chủ trương của địa phương trong phát trển kinh tế. Hiện toàn thôn có hơn 185 ha cây điều được bà con cải tạo cho năng suất hơn 1,5 tấn/ha/năm; chăn nuôi bò sinh sản, vỗ béo với số lượng đàn gần 500 con; trồng gần 100 ha cây hoa màu. Đáng chú ý, trên địa bàn thôn đã xuất hiện thêm một số cây trồng, vật nuôi mới như: Các loại cây ăn quả, đàn dê... đang cho tín hiệu khả quan về thu nhập.
Quan tâm, thực hiện chính sách với NCUT
Nhận thức vai trò quan trọng của NCUT trong đồng bào DTTS, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, tạo mọi điều kiện để NCUT phát huy tốt vai trò của mình, tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương phát triển.
Người có uy tín xã Phước Thắng (Bác Ái) tuyên truyền người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân. Ảnh: L.Thi
Để nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin về các lĩnh vực cho NCUT, hằng năm Ban Dân tộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức các buổi phổ biến pháp luật, hội nghị, họp dân để tuyên truyền, cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các chính sách tôn giáo, dân tộc... cho NCUT nắm bắt. Ngoài ra, NCUT được mời tham gia các lớp tập huấn do Ban Dân tộc tỉnh và sở, ban ngành liên quan tổ chức tại các địa phương như: Các chuyên đề về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”; lớp nâng cao năng lực cho cộng đồng (Chương trình 135); chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã (KT-XH) hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; được cấp miễn phí đầy đủ các loại báo như: Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Ninh Thuận; tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh duyên hải Miền Trung.
Triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2023, UBND tỉnh hỗ trợ 1 điện thoại thông minh cho NCUT trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho NCUT cập nhật thông tin, phục vụ hiệu quả các cuộc họp trực tuyến, chuyển tải kịp thời những vấn đề có liên quan đến công tác dân sinh của đồng bào DTTS, ý kiến của nhân dân. Nhằm ghi nhận những nỗ lực của NCUT trong cộng đồng, các cấp, ngành còn duy trì tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương, khen thưởng với NCUT tiêu biểu. Tính từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 372 lượt NCUT được tặng giấy khen, bằng khen của các cấp. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với NCUT, kịp thời động viên, khuyến khích về tinh thần, giúp họ có thêm động lực tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, nhiệm vụ của mình, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nhân lên niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên NCUT trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh luôn có ý thức xây dựng cộng đồng, trách nhiệm với nơi mình sinh sống, thực sự là nòng cốt tạo nên sự đoàn kết, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với người dân địa phương. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc phát huy nhiệm vụ của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với NCUT; tạo điều kiện cho NCUT tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH; đẩy mạnh nêu gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và kịp thời biểu dương, khen thưởng những NCUT có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, vận động đồng bào tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tạo phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh.
Nhóm PV
---------------
Bài 2: Chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số: những điểm sáng