Đồng chí Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết: Việc thực hiện QCDC ở cơ sở được quan tâm thực hiện sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh cho đến xã, thôn, doanh nghiệp (DN). Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, các cấp ủy, chính quyền hướng hoạt động về cơ sở, gần dân, sát dân, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để có giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Việc thực hiện QCDC còn thể hiện rõ trong việc công khai, minh bạch thông tin kết quả, tình hình, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, nhất là thông tin về các dự án, công trình đầu tư như: Quyết định thu hồi đất, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư... từ đó tạo sự đồng thuận cao trong tầng lớp nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở, các cấp ủy, chính quyền còn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, tổ chức, DN khi đến giao dịch tại cơ quan công quyền. Quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư, khiếu nại, tố cáo. Đồng thời còn thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, DN; nhất là tổ chức đối thoại với nhân dân để giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người... với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đơn cử HĐND các cấp có nhiều đổi mới trong hoạt động; thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng thiết thực, sâu sát, hiệu quả, tạo sự gần gũi, gắn bó, thân thiện giữa đại biểu HĐND với cử tri; theo dõi, giám sát các cấp, các ngành giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, đơn thư của cử tri, nhân dân và việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, nghị quyết của HĐND. Tổ chức Mặt trận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sâu sát cơ sở, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến trong đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, của DN...; nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát đối với tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên, đại biểu dân cử theo quy định. Đối với tổ chức công đoàn, thực hiện QCDC luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, xuyên suốt. Hằng năm, ngoài chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động (NLĐ) theo quy định, các cấp công đoàn tham mưu ban lãnh đạo công khai cho NLĐ biết các nội quy, quy chế của DN, các các chế độ, chính sách liên quan; tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa NLĐ và ban lãnh đạo, chính quyền địa phương, ngành chức năng tạo điều kiện để đoàn viên, NLĐ đóng góp ý kiến, kiến nghị về những bất cập, khó khăn; đồng thời khuyến khích NLĐ tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ, thỏa ước lao động tập thể góp phần tạo sự đồng thuận, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong cơ quan, đơn vị, DN.
Chính sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, việc thực hiện QCDC ở các loại hình có sự chuyển biến rõ nét; vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo, quyền làm chủ, sức mạnh đại đoàn kết, thi đua yêu nước của tầng lớp nhân dân ngày càng được phát huy, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Chamaléa Thị Thủy, cho biết thêm: Để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, đưa việc thực hiện QCDC ở cơ sở đi vào chiều sâu ở tất cả các loại hình, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền gắn việc thực hiện QCDC cơ sở với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Thực hiện tốt Luật Thực hiện QCDC ở cơ sở. Tiến hành rà soát, đánh giá, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy ước về dân chủ ở cơ sở với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng” nhằm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, khắc phục triệt để bệnh hình thức.
Uyên Thu