RCEP thúc đẩy thanh toán điện tử giữa các quốc gia thành viên

Hệ thống thanh toán điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu của thương mại hiện đại, khi tạo điều kiện cho các giao dịch được thực hiện nhanh chóng. Các nền tảng kỹ thuật số, bao gồm nhiều dịch vụ từ mua sắm đến chuyển tiền trực tuyến, đã mang lại sự tiện lợi, hiệu quả và tính bảo mật cao cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

RCEP bao gồm 15 quốc gia thành viên, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 quốc gia ASEAN - đại diện cho khoảng 30% dân số và GDP của toàn cầu. Hiệp định thương mại này nhằm mục đích tăng cường dòng chảy thương mại, giảm thuế quan và thúc đẩy hội nhập kinh tế trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh các nền kinh tế ngày càng kết nối với nhau, vai trò của hệ thống thanh toán điện tử càng trở nên quan trọng nhằm đảm bảo tính hiệu quả và an toàn cho các giao dịch xuyên biên giới. Một trong những tác động chính của RCEP đối với hệ thống thanh toán điện tử là sự chuẩn hóa của các khuôn khổ pháp lý giữa các quốc gia thành viên để tạo điều kiện cho các giao dịch. Ví dụ, hiệp định này có thể khuyến khích việc áp dụng các tiêu chuẩn chung về bảo vệ dữ liệu, chống rửa tiền và các yêu cầu về thông tin của khách hàng, nhờ đó giảm bất đồng trong thanh toán xuyên biên giới và tăng cường lòng tin giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Thanh toán điện tử qua Paypal.

Tại Trung Quốc, một trong những quốc gia đi đầu trong thanh toán điện tử với các nền tảng như Alipay và WeChat Pay, RCEP đã tạo cơ hội để nước này mở rộng phạm vi tiếp cận đối với thị trường của các quốc gia thành viên khác. Bằng cách tích hợp với các tiêu chuẩn của các thành viên RCEP khác, hệ thống thanh toán điện tử của Trung Quốc có thể cung cấp dịch vụ liền mạch, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, RCEP cũng giúp Trung Quốc thúc đẩy áp dụng các công nghệ và tiêu chuẩn thanh toán điện tử trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ đó gia tăng ảnh hưởng của nước này trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Tương tự như vậy, ở Đông Nam Á, các quốc gia như Singapore và Malaysia sẽ được hưởng lợi đáng kể từ RCEP. Với cơ sở hạ tầng tài chính tiên tiến và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, Singapore đang ở vị thế thuận lợi để trở thành trung tâm khu vực cho các dịch vụ thanh toán điện tử. RCEP có thể tăng cường vai trò của Singapore khi tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ dễ dàng thâm nhập vào thị trường các quốc gia thành viên khác. Điều này có thể thúc đẩy việc ứng dụng các nền tảng của Singapore như PayNow và GrabPay trên toàn khu vực, thúc đẩy sự hội nhập khu vực trong thanh toán kỹ thuật số.

Việc giảm thuế quan và rào cản thương mại theo RCEP có thể thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thanh toán xuyên biên giới. Khi doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng tham gia sâu vào thương mại điện tử thì nhu cầu về quản lý, giám sát các hệ thống thanh toán điện tử ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Lợi ích tiềm năng của RCEP đối với các hệ thống thanh toán điện tử không chỉ giới hạn ở các nền kinh tế lớn. Các quốc gia thành viên khác như Việt Nam và Philippines cũng có thể hưởng lợi đáng kể từ hiệp định này. Tại Việt Nam, thị trường thanh toán điện tử đang phát triển mạnh mẽ, với dân số trẻ, am hiểu công nghệ đã thúc đẩy việc áp dụng các nền tảng thanh toán kỹ thuật số. RCEP có thể hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử của Việt Nam mở rộng dịch vụ trong khu vực. Với Philippines, thông qua việc điều chỉnh các tiêu chuẩn quản lý và giảm rào cản, RCEP có thể giúp tạo điều kiện cho các dịch vụ kiều hối xuyên biên giới và tiết kiệm chi phí hơn, tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho người dân.

Theo TTXVN