Đặc biệt sau gần 40 năm đổi mới đất nước, tổ chức công đoàn được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng; mở rộng hoạt động sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước; phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động thực hiện tốt hơn vai trò, nhiệm vụ chính trị được giao, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động (NLĐ), tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của NLĐ.
Trải qua 95 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam không ngừng trưởng thành. Đặc biệt sau gần 40 năm đổi mới đất nước, tổ chức công đoàn được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng; mở rộng hoạt động sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước; phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động thực hiện tốt hơn vai trò, nhiệm vụ chính trị được giao, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động (NLĐ), tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của NLĐ.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao Quyết định hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên khó khăn về nhà ở. Ảnh: U.Thu
Cùng với sự trưởng thành của Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Ninh Thuận không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hoàn thiện bộ máy, tổ chức, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Toàn tỉnh hiện có 715 công đoàn cơ sở (CĐCS), hơn 36.000 đoàn viên (ĐV) công đoàn, trong đó có 206 CĐCS doanh nghiệp (DN) với hơn 17.000 ĐV.
Thực hiện vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích, hợp pháp chính đáng của ĐV, NLĐ, với phương châm “Tất cả vì lợi ích chính đáng của NLĐ”, các cấp công đoàn tập trung mọi hoạt động về cơ sở để theo dõi, sâu sát, nắm bắt kịp thời tình hình, tâm tư, nguyện vọng ĐV, NLĐ; tích cực giám sát, tham mưu chính quyền, chủ DN thực hiện đầy đủ, kịp thời quy định pháp luật lao động, nhất là các chế độ, chính sách của NLĐ. Hằng năm, chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị NLĐ; tổ chức ký thỏa ước lao động tập thể, xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại cơ quan, đơn vị và DN. Đến nay, có trên 91% cơ quan, đơn vị, DN xây dựng và ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở; 100% DN nhà nước và 70% DN ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể; có 100% công nhân lao động trong các DN nhà nước, 90% công nhân lao động trong các thành phần kinh tế được ký kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Công tác chăm lo đời sống, hỗ trợ việc làm và các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong công nhân, viên chức, lao động được các cấp công đoàn triển khai thường xuyên với nhiều hoạt động thiết thực, điển hình: Chương trình “Tết sum vầy” với mục tiêu “tất cả ĐV, NLĐ đều có Tết”; thăm, tặng quà, hỗ trợ cho ĐV có hoàn cảnh khó khăn; ký kết với các DN thực hiện chương trình phúc lợi hỗ trợ cho ĐV mua hàng, sử dụng dịch vụ với giá ưu đãi... Đặc biệt, chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” đã thu hút đông đảo ĐV, các cơ quan, đơn vị, DN trong và ngoài tỉnh tham gia, với số tiền hơn 12 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ nhà ở cho hơn 430 ĐV có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Thông qua các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhân văn đã tạo được sự tin tưởng của NLĐ đối với tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, các phong trào như đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, đóng góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa, hiến máu nhân đạo... được ĐV, NLĐ hưởng ứng tích cực, trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc thực hiện các cuộc vận động xã hội.
Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức pháp luật, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của ĐV, NLĐ được đẩy mạnh. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được các cấp công đoàn triển khai sâu rộng theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực. Hưởng ứng các phong trào thi đua do công đoàn phát động, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động đã có hơn 17.000 nghìn sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước, cải cách hành chính, giáo dục, y tế... Trong đó, có nhiều nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả công việc, năng suất lao động, sản xuất, kinh doanh tại cơ quan, đơn vị, DN. Cùng với đẩy mạnh thi đua, việc biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhất là cán bộ CĐCS, tập thể, NLĐ trực tiếp lao động, sản xuất được chú trọng góp phần quan trọng tạo sức lan tỏa thi đua rộng rãi, nâng cao vai trò giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp công đoàn không ngừng củng cố, hoàn thiện bộ máy, tổ chức, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời, đẩy mạnh phát triển, tập hợp ĐV, thành lập CĐCS, nhất là trong khối DN ngoài nhà nước; phát huy vai trò tiên phong, tinh thần giai cấp công nhân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công đoàn trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế đó là: Quy mô tổ chức và ĐV còn ít; hoạt động công đoàn tại một số nơi chưa gắn với đặc điểm, nguyện vọng của ĐV, NLĐ, nên phong trào có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Năng lực, bản lĩnh cán bộ công đoàn, nhất là tại DN ngoài nhà nước còn hạn chế, chậm đổi mới, thiếu tính sáng tạo, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...
Dự báo cùng với biến động kinh tế trong và ngoài nước, thời gian tới, việc làm, thu nhập, tư tưởng của ĐV, NLĐ cũng như hoạt động của tổ chức công đoàn sẽ có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và NLĐ, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương thức hoạt động với phương châm “lấy NLĐ làm trung tâm”, xây dựng tổ chức vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Tăng cường tham mưu cho các cấp ủy đảng, phối hợp với các cấp chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn đi vào thực chất, có chiều sâu, mang tính thiết thực, hiệu quả.
Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với điều kiện lao động, cuộc sống của từng đối tượng NLĐ, tình hình của cơ quan, đơn vị, DN. Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, vận động ĐV, NLĐ thi đua học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho ĐV, NLĐ.
Nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn khu vực ngoài nhà nước. Tham mưu, phối hợp tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, kỷ luật lao động... cho ĐV, NLĐ.
Đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn ĐV, NLĐ; tăng cường phát triển ĐV, thành lập CĐCS; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Trần Văn Đông, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh