Ninh Thuận có diện tích sản xuất nông nghiệp tương đối lớn, ngoài lúa là cây trồng chủ lực, trên địa bàn tỉnh còn phát triển các loại cây trồng đặc thù như: Nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, nha đam... với tổng sản lượng nông sản thu hoạch hằng năm trên 1,2 triệu tấn. Thực tế cho thấy, số lượng hàng hóa nông sản sản xuất ra khá lớn, nhưng việc chế biến, bảo quản các loại nông sản chưa được đầu tư đáp ứng nhu cầu thực tế. Tình trạng thu hoạch nông sản chưa đúng phương pháp, chưa đúng độ chín diễn ra phổ biến; cơ sở vật chất, phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu nên phần lớn sản phẩm nông nghiệp làm ra tiêu thụ tại chỗ dạng tươi, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao. Để giải quyết vấn đề trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; linh hoạt phân bổ kinh phí từ các chương trình, dự án trung ương và địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, nông hộ xây dựng nhà xưởng sơ chế, kho lạnh, thiết bị sấy thô, sấy lạnh để chế biến, bảo quản, làm tăng tính cạnh tranh sản phẩm nông sản của tỉnh trên thị trường, thu hút người tiêu dùng.
Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân được hỗ trợ đầu tư máy sấy lúa giảm đáng kể tổn thất sau thu hoạch.
Tiêu biểu như HTX Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân, xã Xuân Hải (Ninh Hải), năm 2023 được hỗ trợ đầu tư nhà xưởng và công nghệ sấy lúa, với công suất 20 tấn/ngày đêm, giảm đáng kể tổn thất sau thu hoạch. Ông Thái Bá Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX, chia sẻ: Sản lượng lúa mỗi vụ thu hoạch của HTX đạt khoảng 100 tấn, nếu thu hoạch trong thời điểm có mưa sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng lúa và bị đầu mối thu mua giá thấp; do đó, sức ép trong việc bảo quản lúa sau thu hoạch là rất lớn. Nhờ có chính sách hỗ trợ đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX được thuận lợi, ngoài đảm nhận sấy lúa trực tiếp cho các thành viên, HTX còn làm dịch vụ sấy lúa cho người dân tại địa phương, góp phần nâng cao doanh thu cho HTX. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị sản xuất cũng nhờ được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, chuyển giao công nghệ trong chế biến, bảo quản quả sau thu hoạch, làm tăng giá trị mặt hàng nông sản như: Dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ cây nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ba Mọi, HTX nho Evergreen Ninh Thuận, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận, Công ty TNHH Nho Mỹ Hòa, Cơ sở thực phẩm Viết Nghi ứng dụng hiệu quả công nghệ bảo quản, chế biến nho đạt chất lượng cao, với sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 75.000 - 80.000 lít siro nho, rượu vang nho, nho sấy dẻo, nước ép nho. Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận đã ứng dụng thành công công nghệ sinh học bảo quản măng tây xanh tươi đến 20 ngày và công nghệ ly trích hoạt chất, sấy lạnh, sấy phun chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị từ măng tây xanh... Đặc biệt, một số loại sản phẩm chế biến được công nhận đạt chuẩn OCOP 3-4 sao, tạo được uy tín vững chắc trên thị trường. Ông Phạm Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nhìn nhận: Trong quy trình sản xuất nông nghiệp, ngoài yếu tố giống và kỹ thuật canh tác, thì thu hoạch, chế biến và bảo quản là khâu cuối cùng quyết định đến năng suất và chất lượng nông sản. Sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này trong thời gian qua tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, đưa giá trị nông sản tăng gấp nhiều lần.
Với định hướng tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất cây trồng có lợi thế theo quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa dồi dào, cùng với việc chú trọng nghiên cứu lựa chọn đưa các giống mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, ngành nông nghiệp tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, nông dân đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Qua đó, thúc đẩy nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững mặt hàng nông sản của tỉnh trong thời gian tới.
Hồng Lâm