Theo đó, thực hiện Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông (TT&TT) thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn năm 2050; Quyết định số 885/QĐ-BTTTT ngày 25/5/2023 của Bộ TT&TT về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phát triển hạ tầng số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan thông tin, tuyên truyền về Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình) đến các đối tượng được thụ hưởng; các chính sách liên quan để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân biết, thực hiện.
Đồng thời, tuyên truyền lộ trình dừng phát sóng điện thoại công nghệ 2G trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn người dân chuyển đổi sang sử dụng thiết bị thông minh và nâng cao chỉ tiêu người dân sử dụng dịch vụ internet băng rộng phục vụ việc sử dụng các dịch vụ số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2024 và 2025, triển khai chuyển đổi hoàn thành 119.667 thuê bao đang sử dụng công nghệ 2G trên địa bàn tỉnh lên SIM 4G và điện thoại hỗ trợ công nghệ 4G chất lượng cao. Hỗ trợ máy tính bảng, điện thoại thông minh được phân bổ từ Chương trình trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo hướng dẫn của Bộ TT&TT đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định.
Cùng với đó, hỗ trợ thiết bị thông minh đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Về điều kiện được hỗ trợ, đối với hỗ trợ máy tính bảng là hộ gia đình có thành viên là học sinh (học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 tại các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh); có nhu cầu nhận hỗ trợ máy tính bảng thuộc Chương trình; chưa được nhận hỗ trợ máy tính (máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng) phục vụ học tập của học sinh từ các nguồn khác thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đối với hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh, là hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ Chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến (máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng) thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em” (tính đến thời điểm Bộ TT&TT phân bổ số lượng điện thoại thông minh cho các địa phương); hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ. Về nguyên tắc, đối tượng được hỗ trợ chỉ được hỗ trợ một lần và một thiết bị; đảm bảo đúng đối tượng và theo thứ tự ưu tiên được hỗ trợ trong phạm vi số lượng thuộc Chương trình; không trùng lặp về đối tượng được hỗ trợ của Chương trình với đối tượng được hỗ trợ từ nguồn khác; đảm bảo công khai, dân chủ tại cơ sở trong việc đề xuất đối tượng cụ thể được nhận hỗ trợ.
Để kế hoạch triển khai đảm bảo hiệu quả thiết thực, UBND tỉnh giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố tham mưu tiêu chí, cách phân bổ máy tính bảng, điện thoại thông minh cho các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý, khoa học và đúng quy định. Bên cạnh đó, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống đài truyền thanh cơ sở, các doanh nghiệp viễn thông, UBND các huyện, thành phố tích cực thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chính sách của Chương trình; lộ trình dừng phát sóng thông tin di động công nghệ 2G; nâng cao chỉ tiêu người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ truy cập internet băng rộng cáp quang; chuyển đổi sang sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng các nền tảng số trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách viễn thông công ích trên địa bàn tỉnh.
Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các địa phương tổng hợp, cung cấp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo định kỳ hằng năm trên địa bàn tỉnh và gia đình chính sách xã hội, gia đình chính sách người có công với cách mạng đang quản lý theo quy định. Mặt khác, phối hợp kiểm tra, giám sát việc thụ hưởng hỗ trợ từ Chương trình đối với các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng có liên quan đến ngành quản lý…
T.D