Từ đó, có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời, hạn chế những hậu quả do dị tật bẩm sinh gây ra, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, giảm áp lực cho xã hội góp phần nâng cao chất lượng dân số (DS). Bằng nhiều giải pháp, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) nâng cao nhận thức thấy được lợi ích của thực hiện SLTS&SS và tự nguyện tham gia tầm soát.
Tích cực tuyên truyền, vận động
Là địa bàn duy nhất của huyện Ninh Hải nằm trong Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, xã Xuân Hải quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thực hiện chương trình SLTS&SS. Để thực hiện chương trình SLTS&SS có hiệu quả, hằng năm, xã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp kiến thức về các nội dung của SLTS&SS cho người dân với nhiều hình thức đa dạng như: Thông qua hội nghị nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm, lồng ghép trong sinh hoạt câu lạc bộ, các cuộc họp thôn; thường xuyên cập nhật và đưa các thông tin hoạt động trên trang thông tin điện tử, trên hệ thống loa truyền thanh xã, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo của trạm y tế và viên chức DS xã. Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, cán bộ chuyên trách DS, Trạm Y tế xã Xuân Hải chia sẻ: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình, những người làm công tác DS cơ sở tích cực tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề về sàng lọc để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Đồng thời, đội ngũ cộng tác viên DS thường xuyên trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, tư vấn về lợi ích của SLTS&SS, thời điểm đi sàng lọc, những nguy cơ do dị tật bẩm sinh để lại. Từ đó, giúp người dân hiểu, tự nguyện và chủ động tham gia sàng lọc.
Bác sĩ Trạm Y tế xã Phước Hà (Thuận Nam) khám bệnh cho trẻ.
Nhằm kịp thời chuyển tải chính sách DS và phát triển đến với người dân vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước phối hợp với các trạm y tế xã, thị trấn tuyên truyền về chương trình SLTS&SS, tập trung chủ yếu vào đối tượng phụ nữ mang thai, vị thành niên, thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng, cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ... Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ DS, cộng tác viên DS thường xuyên trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền lợi ích của SLTS&SS, những nguy cơ do dị tật bẩm sinh để lại. Chị Phạm Thị Trà My, cán bộ Phòng DS, Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước chia sẻ: Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân được nâng cao nên việc kiểm tra thai kỳ và sàng lọc sơ sinh (SLSS) được nhiều bà mẹ quan tâm. Các gia đình không còn e ngại khi lấy máu gót chân của trẻ ngay sau sinh. Đáng mừng, nhiều người còn mong muốn con, cháu mình được sàng lọc bệnh sớm dù là làm theo phương thức dịch vụ thu phí. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ bà mẹ SLTS đạt 22,3%; tỷ lệ trẻ SLSS đạt 34,3%, trong đó có 277 trẻ tham gia lấy máu gót chân, qua đó có 7 ca nghi ngờ có dấu hiệu bất thường. Chị Đổng Thị Hồng Cẩm, thôn Tân Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước) chia sẻ: Trong thời gian mang thai tôi được cán bộ y tế tư vấn thăm, khám thai thường xuyên. Tôi cũng hiểu rõ lợi ích việc SLTS&SS nên khi đến thời điểm cần tôi đi sàng lọc ngay để hạn chế nguy cơ do dị tật bẩm sinh cho con.
Nâng cao năng lực chuyên môn
Cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông, việc nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia quá trình sàng lọc được các địa phương quan tâm, chú trọng. Đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng, y sĩ khoa sản của trung tâm y tế các huyện đã được tập huấn và cấp chứng chỉ kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân SLSS; kỹ thuật chuẩn đoán xác định di tật trước sinh như: Siêu âm đo độ mờ da gáy, siêu âm hình thái học... Đội ngũ cán bộ viên chức DS và cộng tác viên DS tại các trạm y tế xã, thị trấn được trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân tham gia sàng lọc. Chị Dương Nữ Quỳnh Tiên, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước cho biết: Sau khi được tập huấn kỹ thuật lấy mẫu máu khô SLTS&SS tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi đã thực hiện tốt việc lấy mẫu máu, không để xảy ra tình trạng hỏng mẫu giấy thấm. Đồng thời, lồng ghép tư vấn trong các buổi khám thai để người dân hiểu lợi ích của việc sàng lọc, tự nguyện tham gia. Khi phát hiện những trường hợp có nguy cơ cao, chúng tôi tư vấn, hướng dẫn họ làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định và điều trị sớm bệnh của trẻ từ giai đoạn thai còn nằm trong bụng mẹ và ngay sau khi trẻ ra đời. Bởi nếu bệnh được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, trẻ sẽ tránh những biến chứng nguy hiểm như khuyết tật hoặc tử vong, hạn chế hậu quả do dị tật bẩm sinh gây ra cho trẻ, giảm gánh nặng cho xã hội.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.256 phụ nữ mang thai thực hiện SLTS, đạt 32.77%, trong đó có 10 trường hợp bất thường. Đã có 2.656 trẻ được SLSS, đạt 71.44% trong đó, có 2.607 trẻ thực hiện lấy máu gót chân, qua đó phát hiện 15 trường hợp có nguy cơ cao thiếu men G6PD; 3 trường hợp có nguy cơ cao tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh CAH; 2 trường hợp bệnh liên quan đến Hemoglobin. Ngoài ra 2.953 trẻ được thực hiện sàng lọc miễn phí bệnh tim bẩm sinh bằng máy đo độ bảo hòa oxy trong máu.
Để chương trình SLTS&SS được triển khai hiệu quả hơn, thời gian tới, Chi cục DS-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về SLSS cho đội ngũ y tế cơ sở; kỹ năng tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia chương trình cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên DS tại 28 xã của các huyện miền núi bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, dễ hiểu, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng, từng bước giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng DS.
Mỹ Dung